10:04, 02/04/2021

Chuyện về xử lý rác

Nhờ có các dự án vệ sinh môi trường triển khai trên địa bàn thành phố Nha Trang, mỗi ngày, hàng trăm tấn rác thải được xử lý, lượng lớn nước thải sinh hoạt qua công nghệ xử lý trở thành nước đạt tiêu chuẩn về môi trường.

Nhờ có các dự án vệ sinh môi trường triển khai trên địa bàn TP. Nha Trang, mỗi ngày, hàng trăm tấn rác thải được xử lý, lượng lớn nước thải sinh hoạt qua công nghệ xử lý trở thành nước đạt tiêu chuẩn về môi trường.

Từ gom rác trên biển...


Trong quá trình “hồi sinh” rác từ các dự án mà UBND tỉnh đang triển khai, việc thu gom rác là công đoạn quan trọng và nhiều vất vả. Ở TP. Nha Trang, công việc thu gom rác không chỉ thực hiện trên đất liền mà còn có cả những tổ, đội công nhân chuyên ra biển gom rác bằng thuyền.

 

Bãi chôn lấp Lương Hòa (xã Vĩnh Lương).

Bãi chôn lấp Lương Hòa (xã Vĩnh Lương).


7 giờ sáng một ngày cuối tháng 3, chúng tôi cùng ông Huỳnh Tấn Mẹo - Tổ trưởng tổ 4, Đội 3 Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang lên thuyền do chính ông làm tài công hướng ra đảo Trí Nguyên gom rác. Đội của ông Mẹo có 18 công nhân, đảm nhiệm thu gom rác mỗi ngày ở khu vực biển đảo Trí Nguyên, Bích Đầm, Vũng Ngán và khu vực ven sông cầu Hà Ra, cầu Trần Phú. 7 giờ 15 phút, thuyền chúng tôi cập đảo Trí Nguyên, các công nhân đã hoàn thành ca thứ nhất và bắt đầu ca thứ 2. Tổ của chúng tôi có 5 người, sau khi bốc hơn chục thùng chứa rác lên thuyền, ông Mẹo bẻ vô lăng điều khiển thuyền hướng ra khu vực lồng bè nuôi thủy sản để thu rác. Chiếc thuyền chở rác phải luồn lách qua nhiều đường cua trên biển để tiếp cận từng hộ nuôi thủy sản.

 

Gia đình bà Dương Thị Gái (thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương) có 4 người, sống cạnh bãi rác Lương Hòa từ khi mới xây dựng đến nay. Bà Gái cho biết, tuy sống cạnh bãi rác nhưng không phải chịu mùi hôi, nguồn nước sinh hoạt cũng được bảo đảm và không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hàng ngày của gia đình.

Trên lồng bè không có thùng rác, người dân gom rác vào các bao bì để các công nhân gom rác xuống thuyền. Sau hơn 1 giờ, giữa cái nắng hầm hập, mùi rác thải bốc lên khiến không khí trên thuyền ngột ngạt, các công nhân ai cũng mồ hôi chảy đầm đìa. Ông Mẹo cho biết, gom rác ở trên biển khó khăn, vất vả hơn trên đất liền bởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vào mùa biển động, có khi tàu không ra được đảo. Thời điểm bão qua là thời gian vất vả nhất khi trên các đảo và biển ngập tràn rác, công nhân có khi phải dọn liên tục cả tuần mới hết. Hiện nay, ước tính trung bình mỗi ngày đội thu gom được 3 - 4 tấn rác trên biển, đảo ở vịnh Nha Trang.


Khoảng 10 giờ trưa, chúng tôi tiếp tục theo 2 công nhân đi vớt rác ở các luồng lạch dưới cầu Hà Ra, cầu Trần Phú và cồn Ngọc Thảo. Đến hơn 11 giờ, toàn bộ rác ở khu vực biển, đảo được đưa về điểm tập kết ở cầu Bình Tân; 15 giờ 30, xe chở rác đến thu gom chở về bãi chôn lấp rác Lương Hòa (xã Vĩnh Lương).


Bãi chôn lấp Lương Hòa là nơi thu gom rác của toàn TP. Nha Trang với khối lượng 450 - 500 tấn/ngày đêm. Và từ đây, các công đoạn xử lý rác được bắt đầu.


... đến quy trình xử lý nước thải

 

Đứng giữa núi rác khổng lồ ở bãi chôn lấp Lương Hòa, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là không có mùi hôi khó chịu. Ông Trần Ngô Hữu Huy - Trạm trưởng Trạm xử lý nước rỉ rác Lương Hòa giải thích, rác đưa vào bãi đã được khử mùi sinh học để giúp phân hủy, sau đó được san ủi và đầm nén giảm thể tích, tạo thành lớp, rồi mới phủ lấp đất, rắc vôi khử trùng lên trên. “Lượng nước thải rỉ ra từ rác nếu ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm. Vì vậy, trạm có nhiệm vụ thu gom toàn bộ, thông qua lớp màng nhựa tổng hợp HDPE và hệ thống ống dẫn tiếp tục khuấy, lắng lọc. Nước rỉ rác được xử lý bằng hóa chất trước khi đưa về nhà máy xử lý nước thải của dự án ở phía nam TP. Nha Trang bằng một đường ống dẫn riêng”, ông Huy cho biết.

 

Theo thống kê của Ban Quản lý Dịch vụ công ích TP. Nha Trang, khối lượng rác thải thu gom năm 2015 là 133.557 tấn; năm 2016 là 167.836 tấn và đến năm 2020 tăng lên 247.000 tấn. Lượng rác thải ngày càng tăng đang tạo ra áp lực lớn cho thành phố về vấn đề xử lý rác thải.

Nhà máy xử lý nước thải phía nam TP. Nha Trang.

 

Theo thống kê của Ban Quản lý Dịch vụ công ích TP. Nha Trang, khối lượng rác thải thu gom năm 2015 là 133.557 tấn; năm 2016 là 167.836 tấn và đến năm 2020 tăng lên 247.000 tấn. Lượng rác thải ngày càng tăng đang tạo ra áp lực lớn cho thành phố về vấn đề xử lý rác thải.

Trực tiếp dẫn chúng tôi tham quan và giới thiệu quy trình xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải phía nam TP. Nha Trang, ông Lê Văn Tiệp - Quản lý nhà máy cho biết, không chỉ xử lý nước rỉ rác từ bãi chôn lấp Lương Hòa, nhà máy còn xử lý nước thải bẩn từ các ống nước thải đấu nối nhà dân, khách sạn… ở trung tâm và phía nam TP. Nha Trang dồn về liên tục trong ngày. Sau khi trải qua các bước như: Tách rác, dầu mỡ, qua khu xử lý sinh học, bể lắng, khử trùng, cộng với 3 lần thí nghiệm để đo chất lượng nước, khi đạt chuẩn mới cho chảy ra sông Tắc để bảo đảm môi trường.

 

 

Hiện nay, nhà máy vận hành với công suất ban đầu đạt 30.000m3/ngày đêm (công suất tối đa 40.000m3/ngày đêm). Từ thời điểm đầu vào nhà máy đến khi nước thải được xử lý bảo đảm về môi trường sẽ mất khoảng 10 - 11 giờ. Việc nhà máy đi vào hoạt động đã góp phần rất lớn trong việc cải thiện môi trường nước cho khu vực phía nam TP. Nha Trang.


Và điều đáng mừng hơn, khi nhiều năm qua, người dân ở thôn Phước Điền (xã Phước Đồng) đã sử dụng nguồn nước đã qua xử lý từ Nhà máy xử lý nước thải phía nam TP. Nha Trang để nuôi thủy sản. Ông Phan Hoàng Hạc (thôn Phước Điền) cho biết: “Khu vực sông Tắc nguồn nước có độ mặn cao, nuôi tôm chậm lớn nên 6 năm nay, tôi đã đấu nối lấy nước ngọt từ nhà máy chảy ra sông Tắc để nuôi tôm cho năng suất cao hơn, chỉ cần 2 tháng là tôm bán được”.

 

 


 

Ông Châu Ngô Anh Nhân  - Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh: Bãi chôn lấp Lương Hòa, Trạm xử lý nước rỉ rác Lương Hòa và Nhà máy xử lý nước thải phía nam TP. Nha Trang đều thuộc dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang do Ban Quản lý Dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang (hiện nay là Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh) làm chủ đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, hoàn thành từ năm 2014.


Hiện nay, ban đang tiếp tục triển khai dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang giai đoạn 2017 - 2022 với tổng mức đầu tư 72 triệu USD. Dự án sẽ mở rộng mạng lưới thu gom nước thải để nâng công suất hoạt động của Nhà máy xử lý nước thải phía nam TP. Nha Trang, đồng thời, tiếp tục đầu tư các mạng lưới thu gom nước thải cho khu vực phía bắc thành phố.
 



THÁI THỊNH