10:12, 22/12/2020

Phân loại, xử lý chất thải nhựa: Còn khó khăn

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đang kêu gọi phong trào chống chất thải nhựa và được nhiều ban, ngành, địa phương hưởng ứng. Tuy nhiên, công tác chống chất thải nhựa vẫn còn nan giải bởi chưa có giải pháp phân loại, xử lý.

 

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đang kêu gọi phong trào chống chất thải nhựa và được nhiều ban, ngành, địa phương hưởng ứng. Tuy nhiên, công tác chống chất thải nhựa vẫn còn nan giải bởi chưa có giải pháp phân loại, xử lý.


Quy định đã đầy đủ


Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với huyện Vạn Ninh tổ chức chương trình “Đổi rác thải nhựa” tại thị trấn Vạn Giã. Chương trình đã thu hút hơn 500 lượt người dân đến tham gia đổi rác thải lấy quà tặng là các nhu yếu phẩm như: Gạo, đường, nước mắm…

 

Theo ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT: Chương trình tổ chức với mục đích tập trung sự chú ý của người dân và cộng đồng về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; kêu gọi cộng đồng chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa đúng nơi quy định; thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của các ban, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn và các địa phương khác trong tỉnh cùng hưởng ứng. Kết thúc chương trình, ban tổ chức đã thu gom được hơn 3 tấn rác thải nhựa, 1 tấn chất thải nguy hại. Toàn bộ lượng rác thải này được hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.

 

Chương trình “Đổi rác lấy quà” tại thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh.

Chương trình “Đổi rác lấy quà” tại thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh.

 

Thực hiện Chỉ thị 33 (ngày 20-8-2020) của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, UBND tỉnh giao các cấp, ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế hay không sử dụng chất thải nhựa dùng một lần; nghiên cứu triển khai phân loại rác tại nguồn; tăng cường năng lực, hiệu quả thu gom chất thải rắn; xử lý riêng chất thải đã được phân loại; tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật thu gom chất thải nhựa theo sông, kênh, rạch… đổ ra biển; tăng cường kiểm tra chính sách thuế bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra làng nghề, cơ sở tái chế nhựa không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở TN-MT, nhiệm vụ này còn nhiều khó khăn, hiện nay các cấp, ngành, địa phương chủ yếu khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện chống chất thải nhựa mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.


Vận động, tuyên truyền là chính


Theo lãnh đạo  Sở TN-MT, từ năm 2009, sở đã tổ chức thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn từ nguồn tại Cam Lộc và Cam Thịnh Đông, Cam Ranh. Tuy nhiên, kết quả không khả quan vì nhiều nguyên nhân. Hệ thống thu gom không đồng bộ, người dân phân loại tại nguồn nhưng không có phương tiện chuyên dùng phù hợp để vận chuyển rác đã phân loại; bãi chôn lấp không thể phân tách và xử lý chất thải sau khi phân loại. Vì thế, chương trình đã không đạt mục tiêu đề ra.


Hiện tại 3 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (Lương Hòa, Cam Thịnh Đông và Hòn Rọ) chưa có dây chuyền phân loại rác. Tài nguyên có thể tái chế, tái sử dụng từ rác thải nhưng chỉ đem chôn lấp gây lãng phí và góp phần gây ô nhiễm môi trường.


Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở TN-MT cho hay, hiện tại khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh rất lớn, vượt công suất tiếp nhận thiết kế ban đầu của các bãi rác lớn, gây quá tải và sẽ lấp đầy trong thời gian ngắn. Tương tự, các bãi rác cấp huyện cũng trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, việc đầu tư các dự án nhà máy xử lý rác gặp nhiều khó khăn trong định mức xử lý và thẩm định công nghệ. Các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch 7682 (ngày 5-8-2019) về việc tổ chức thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch 10725 ngày 12-10-2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 33 ngày 20-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục tập trung tuyên truyền phổ biến về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong phong trào chống rác thải nhựa đến mọi tầng lớp trong xã hội; điều tra đánh giá tác động của rác thải nhựa đến môi trường trên địa bàn tỉnh và đề xuất giải pháp trong thời gian tới. Song song đó, sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng mô hình phân loại rác thải để tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


V.L