09:09, 20/09/2020

Công tác thu hồi đất: Còn nhiều vướng mắc

Mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa tổ chức giám sát công tác thu hồi đất của Sở Tài nguyên và Môi trường. Qua giám sát cho thấy, công tác này còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

Mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa tổ chức giám sát công tác thu hồi đất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT). Qua giám sát cho thấy, công tác này còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

 
Nhiều khó khăn


Theo lãnh đạo HĐND tỉnh, hiện nay, công tác thu hồi đất bộc lộ nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Theo quy định, trong vòng 3 năm, nếu dự án không triển khai, Nhà nước không điều chỉnh thì quy hoạch không còn giá trị, người dân có quyền thực hiện quyền của mình đối với mảnh đất đó. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện quy định này còn khó khăn. Ngoài ra, nhiều quy định của Luật Đất đai, các văn bản dưới luật còn chồng chéo, bất cập, luật này “đá” luật kia…

 

Dự án đường  Vành đai 2 chậm  tiến độ  vì vướng  thu hồi đất.

Dự án đường Vành đai 2 chậm tiến độ vì vướng thu hồi đất.


Trao đổi về các vấn đề liên quan đến công tác thu hồi đất hiện nay, ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, có rất nhiều vấn đề khiến ngành chức năng khó có thể thực hiện đảm bảo đúng tiến độ. Việc thu hồi đất thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện việc đền bù, giải tỏa, tái định cư lại phụ thuộc vào vốn đầu tư công. Đến mốc thời gian, nếu chưa bố trí được vốn thì phải “đẩy” sang năm sau. Đơn cử như TP. Nha Trang, năm 2019 có 9 dự án đầu tư mới (ngân sách 8 dự án, 1 dự án ngoài ngân sách) nhưng chỉ có 3 dự án hoàn thành, 6 dự án còn lại phải đưa vào kế hoạch 2020 vì chưa bố trí được vốn. Trong khi đó, công tác quy hoạch sử dụng đất theo luật quy định thời hạn 10 năm, kế hoạch sử dụng đất thời hạn 5 năm. Nếu không bố trí vốn, chắc chắn dẫn đến quy hoạch treo. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác tác động như: Người dân khiếu kiện kéo dài, cơ quan chức năng không mạnh dạn vì sợ làm sai, khó khắc phục hậu quả…


Đối với các dự án chuyển tiếp, theo thống kê có 34 dự án chuyển tiếp giai đoạn sau năm 2014 khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực. Qua rà soát, các dự án này đều thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất. Trong đó, 20 dự án theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, 14 dự án không theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 nhưng lại thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất theo các văn bản khác. Câu hỏi có bao nhiêu dự án thu hồi đất được thực hiện từ năm 2014 đến nay, ngành chức năng không trả lời được vì chưa có tổng hợp báo cáo riêng. Theo quy định, cứ vào cuối năm, cấp huyện phải lập báo cáo cho tỉnh dự án nào đã thực hiện, dự án nào chưa, dự án nào chuyển tiếp; tuy nhiên, con số này cũng không chính xác bởi báo cáo theo quy định lập từ tháng 9 nên đến cuối năm đã có sự vênh nhau.


Sẽ đề xuất giải quyết khó khăn


Theo lãnh đạo Sở TN-MT, ngoài những lý do trên, nhiều quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa rõ ràng, cụ thể, dễ gây hiểu nhầm. Cụ thể, khái niệm mục đích công cộng hay lợi ích công cộng, quốc gia chưa rạch ròi; khái niệm chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, vùng phụ cận chưa rõ ràng; dự án quy mô nào thực hiện thỏa thuận, quy mô nào Nhà nước thu hồi? Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư công năm 2014 quy định những dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ nhưng dự án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh thì chưa có quy định cụ thể. Ngoài ra, Nhà nước cũng chưa quy định cụ thể việc thu hồi đất tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ sản xuất kinh doanh với trường hợp nhà đầu tư phải thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, pháp luật cũng chưa có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng cơ chế đầu tư khai thác quỹ đất của tổ chức phát triển quỹ đất và điều kiện để chủ đầu tư áp dụng cơ chế chuyển nhượng thuê lại hay góp vốn. Việc điều tra xây dựng giá đất bồi thường cho từng dự án mất nhiều thời gian; công tác tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; dự án đăng ký thiếu vốn phải tạm dừng; xác định vốn đầu tư công trung hạn gặp khó khăn nên phải cân đối, điều chỉnh…


Lãnh đạo HĐND tỉnh cho biết, với cơ chế hiện nay, việc thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có lỗi chủ quan của cơ quan chức năng và cán bộ, công chức. Để khắc phục tình trạng trên, đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngoài việc nghiên cứu đề xuất Trung ương sửa luật, HĐND tỉnh sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về công tác này nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay.


V.L