08:06, 24/06/2020

Khánh Vĩnh: Tập trung phòng, chống cháy rừng

6 tháng đầu năm, do thời tiết nắng nóng kéo dài, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Hiện nay, nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức cao, vì vậy các đơn vị chủ rừng, chính quyền cơ sở cần tiếp tục tập trung tối đa cho công tác phòng, chống cháy rừng.

 

6 tháng đầu năm, do thời tiết nắng nóng kéo dài, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Hiện nay, nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức cao, vì vậy các đơn vị chủ rừng, chính quyền cơ sở cần tiếp tục tập trung tối đa cho công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR).


Nhiều vụ cháy


Ông Nông Khánh Sơn - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ cháy rừng trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp, với tổng diện tích 23,6ha, trong đó diện tích bị thiệt hại 100% là 6,6ha. Đến nay, vẫn chưa xác định được đối tượng vi phạm nhưng các vụ cháy chủ yếu xuất phát từ việc cháy lan do đốt dọn nương rẫy. Ngoài ra, trong cao điểm nắng nóng vừa qua, trên địa bàn huyện có một số diện tích keo của người dân trồng trên đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp bị cháy. Các diện tích này, người dân đã tranh thủ khai thác để giảm thiểu thiệt hại.

 

Một đám cháy rừng tại Khánh Vĩnh xảy ra vào tháng 5 vừa qua.

Một đám cháy rừng tại Khánh Vĩnh xảy ra vào tháng 5 vừa qua.


Trong số các vụ cháy rừng trên địa bàn huyện, đáng chú ý có vụ cháy gây thiệt hại 100% đối với 3,8ha rừng trồng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương tại khoảnh 4 (tiểu khu 128, xã Khánh Bình). Vụ cháy này xảy ra khi huyện Khánh Vĩnh chỉ mới bước vào cao điểm mùa khô. Trong tháng 5, trên địa bàn huyện xảy ra 2 vụ cháy khác. Trong đó, vụ cháy tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã Khánh Thành và Khánh Phú đã khiến 7ha rừng dầu rái trồng năm 2004 của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa bị cháy; rất may do cháy dưới tán rừng nên không ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây rừng. Vụ cháy rừng sản xuất tại xã Khánh Nam đã khiến 2,8ha rừng keo 3 năm tuổi của 3 hộ dân địa phương bị thiệt hại 100%.


Thời gian gần đây, tuy trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã có mưa rải rác nhưng theo nhận định của Hạt Kiểm lâm huyện, nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức cao. Huyện xác định diện tích rừng có thể cháy lên đến hàng chục nghìn héc-ta, trong đó diện tích có nguy cơ cháy cao hơn 10.700ha, chủ yếu là rừng trồng nằm sát nương rẫy của người dân. Nguy cơ cháy rừng dự báo kéo dài đến cuối tháng 8 năm nay, thời điểm dễ cháy từ khoảng 9 đến 15 giờ hàng ngày.


Tăng cường phòng cháy


Hiện nay, công tác PCCR tại Khánh Vĩnh vẫn còn nhiều khó khăn do chủ yếu sử dụng phương tiện, dụng cụ thô sơ để chữa cháy; trong khi đó diện tích rừng có nguy cơ cháy rất lớn, nằm ở khu vực có địa hình hiểm trở, lượng thực bì dày và đã khô.

 

Toàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy rừng
6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy với diện tích rừng bị thiệt hại là 126,33ha, chủ yếu là rừng trồng. Trong đó, huyện Vạn Ninh 2 vụ cháy, thiệt hại 10,53ha; thị xã Ninh Hòa 1 vụ, thiệt hại 97,68ha; huyện Khánh Vĩnh 4 vụ, thiệt hại 6,6ha; TP. Nha Trang 1 vụ, thiệt hại 1,5ha; huyện Diên Khánh 2 vụ, thiệt hại 5,32ha và huyện Cam Lâm 1 vụ cháy, thiệt hại 4,7ha.

Trước nguy cơ cháy rừng xảy ra trên địa bàn, ngày 15-6, UBND huyện Khánh Vĩnh tiếp tục có công văn chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã và các cơ quan chức năng của huyện tăng cường các biện pháp PCCR. Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã tăng cường tuần tra bảo vệ rừng và PCCR, cập nhật cấp dự báo cháy rừng để các chủ rừng, UBND cấp xã chủ động ứng phó; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về PCCR. Đối với UBND cấp xã, phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc đốt nương làm rẫy để tránh gây cháy lan vào rừng; sẵn sàng nhân lực, phương tiện để tham gia chữa cháy ngay giai đoạn đầu mới phát hiện đám cháy nhỏ. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy rừng đối với diện tích rừng chưa giao, do địa phương quản lý. Đối với các đơn vị chủ rừng, phải cập nhật diễn biến thời tiết, nguy cơ cháy rừng; rà soát phương án PCCR để chủ động ứng phó; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn khô hanh kéo dài, hoàn thiện hệ thống chòi canh lửa, đường băng cản lửa trong lâm phận.


Theo ông Nông Khánh Sơn, để làm tốt công tác PCCR, từ nay đến cuối năm, các địa phương, đơn vị chủ rừng cần đặc biệt lưu ý việc đốt dọn nương rẫy của người dân, nhất là các khu vực giáp ranh với rừng trồng, có nguy cơ cháy cao và phải chủ động dập tắt các đám cháy nhỏ mới phát sinh, không để cháy rừng xảy ra trên diện rộng. Bên cạnh đó, nghiêm cấm các hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong các thời điểm cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên.


HẢI LĂNG