11:11, 27/11/2019

Tái chế, phân loại rác thải nhựa: Còn nhiều khó khăn

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng công tác tái chế, phân loại rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khó triển khai trên diện rộng.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), thời gian qua, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng công tác tái chế, phân loại rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khó triển khai trên diện rộng.


Chưa có dự án tái chế rác thải nhựa


Tái chế rác thải nhựa có nhiều ưu điểm, làm sạch môi trường, tái sử dụng tài nguyên và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, việc tái chế rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh chỉ dừng lại ở việc sơ chế đơn giản. Bà Phan Thị Tiên Diễm (xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh) cho biết, cơ sở của bà thu mua phế liệu, chủ yếu là đồ nhựa các nơi đem về phân loại, sơ chế, sau đó đóng bao chở vào TP. Hồ Chí Minh bán cho các nhà máy xử lý rác. Nói là sơ chế nhưng thực chất chỉ là xay nhỏ nhựa theo màu rồi đưa vào bao tải để chuyên chở dễ dàng, tránh cồng kềnh. Theo bà, hiện nay, lượng hàng nhựa thu mua không lớn, chỉ khoảng vài tạ/ngày.

 

Rác thải nhựa được phân loại tại một cơ sở ở xã Diên Thạnh.

Rác thải nhựa được phân loại tại một cơ sở ở xã Diên Thạnh.

 

Việc tái chế rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại có lẫn nhựa đang được thực hiện tại Nhà máy xử lý rác thải nguy hại, rác thải công nghiệp ở xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa. Do rác thải loại này không lớn và được quy định nghiêm ngặt nên việc tái chế, xử lý đi vào nề nếp.


Lãnh đạo Sở TN-MT cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có dự án tái chế rác thải nhựa nào do UBND tỉnh phê duyệt, chỉ có một số cơ sở tái chế rác thải nhựa hoạt động nhỏ lẻ, thủ công, gây ô nhiễm môi trường. Mới đây, UBND huyện Cam Lâm đã cưỡng chế, buộc dừng hoạt động 1 cơ sở tái chế nhựa phế liệu gây ô nhiễm môi trường tại thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát. “Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ, ưu đãi đầu tư xây dựng nhà máy tái chế, sản xuất túi ni-lông tự hủy, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chưa có dự án nào đầu tư, bởi công nghệ tái chế hiện nay còn đơn giản, dễ gây ô nhiễm. Do rác thải nhựa tiềm ẩn nhiều rủi ro, thường lẫn nhiều tạp chất gây mất vệ sinh, ngoài ra còn chứa nhiều hóa chất độc hại và quá trình xử lý phát sinh nhiều chất thải, nước thải gây ô nhiễm…nên việc xử lý đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến. Hiện nay, các nhà máy xử lý rác trên toàn quốc có lúc, có nơi chưa hiệu quả và còn gây ô nhiễm”, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết.


Phân loại rác chưa đồng bộ


Công tác tái chế khó khăn một phần do đặc điểm của rác thải Việt Nam là chưa được phân loại từ nguồn. Tuy nhiên, việc phân loại rác hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Võ Thế Thương - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Lộc (TP. Cam Ranh) cho biết, trong 2 năm 2009 - 2010, Sở TN-MT đã triển khai dự án phân loại rác thải từ nguồn, thí điểm tại 2 địa phương ở Cam Ranh, trong đó có Cam Lộc. Dự án kết thúc, người dân thực hiện đúng theo yêu cầu của mô hình, tách rác hữu cơ và vô cơ theo các bao đựng có màu sắc khác nhau. Xe vận chuyển rác thải của Công ty Cổ phần Đô thị Cam Ranh vào lấy rác cũng có hộc riêng, đựng chất thải vô cơ riêng, hữu cơ riêng nhưng lại đem về xử lý chung. Càng về sau, dự án mai một, người dân nhận thấy việc phân loại không còn ý nghĩa vì rác nào cũng đem về chôn lấp tại bãi xử lý nên không mặn mà với việc phân loại nữa.


Lãnh đạo Sở TN-MT nhận định, chương trình phân loại rác thí điểm tại Cam Ranh không có kết quả khả quan do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là hệ thống thu gom không đồng bộ, người dân phân loại tại nguồn nhưng không có phương tiện, thiết bị chuyên dùng phù hợp để vận chuyển rác đã phân loại, bãi chôn lấp không có quy trình phù hợp phục vụ việc phân tách và xử lý chất thải sau khi phân loại.


Theo Quyết định số 798 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020, trong đó giai đoạn 1 (2011 - 2015) đặt mục tiêu tái chế, tái sử dụng 60% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Đối chiếu với mục tiêu này thì Khánh Hòa chưa đạt. Các bãi rác của tỉnh không có dây chuyền phân loại rác, việc tái sử dụng rác thải phụ thuộc chủ yếu vào “đội quân” nhặt rác tự phát. Khi phân loại, họ lấy đi kim loại, nhựa, giấy đem bán để tái chế, tỷ trọng chiếm từ 5 đến 10% lượng rác thải tại các bãi rác. Nhưng hoạt động của đội ngũ này gây mất an ninh trật tự, nhếch nhác tại các bãi rác. Vì thế, hiện nay, tại 3 bãi chôn lấp hợp vệ sinh của tỉnh (Lương Hòa - Nha Trang; Cam Thịnh Đông - Cam Ranh và Hòn Rọ - Ninh Hòa) không cho phép những người này hoạt động. Do đó, tài nguyên có thể tái chế, tái sử dụng từ rác thải mà phải chôn lấp gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.


Theo bà Lý Hạnh Thủy - Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường, đặc trưng phân loại rác tại nguồn trong tỉnh và Việt Nam có sự khác biệt so với các nước tiên tiến trên thế giới, người dân thường phân loại rác, lấy đi nhựa, sắt, thép… để bán cho các cơ sở tái chế, làng nghề. Do đó, hiện nay, các bãi rác của tỉnh không chịu áp lực lớn từ chất thải điện tử. Đây là đặc điểm có thể nghiên cứu để xây dựng chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.


V.L