09:08, 26/08/2019

Khu rạn nhân tạo vịnh Nha Trang: Sinh vật đáy ngày càng trù phú

Đề tài "Theo dõi, đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác sự phát triển nguồn lợi thủy sản tại khu rạn nhân tạo vịnh Nha Trang" vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cơ sở đánh giá cao.

Đề tài “Theo dõi, đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác sự phát triển nguồn lợi thủy sản tại khu rạn nhân tạo vịnh Nha Trang” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cơ sở đánh giá cao.


Theo Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Dung - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, chủ nhiệm đề tài, rạn nhân tạo phía bắc vịnh Nha Trang là hệ thống 10 cụm rạn bê tông được đặt ở độ sâu 7 - 12m tại khu vực cách bờ biển Khu tái định cư phường Vĩnh Hòa về phía đông khoảng 2km. Rạn bao phủ 10.000m2 nền đáy biển, được xây dựng nhằm bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ tại vịnh Nha Trang. Công tác quản lý, khai thác rạn nhân tạo hiện được Ban Quản lý vịnh Nha Trang thực hiện thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát và đã tổ chức lắp đặt phao khoanh vùng bảo vệ khu vực rạn nhân tạo.  

 

Khảo sát thực tế rạn nhân tạo vịnh Nha Trang.

Khảo sát thực tế rạn nhân tạo vịnh Nha Trang.


Việc thực hiện đề tài trên nhằm đánh giá lại hiện trạng quản lý, khai thác sự phát triển nguồn lợi thủy sản tại Khu rạn nhân tạo vịnh Nha Trang sau 4 năm thả rạn. Đây là đề tài ứng dụng từ kết quả nghiên cứu của đề tài KH-CN cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng rạn nhân tạo tại vịnh Nha Trang nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản”. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, các rạn ổn định về độ bền. Tuy nhiên, có một số rạn hình lập phương được xếp nằm trên các rạn hình nón và hình trụ tròn có hiện tượng gãy ở các góc với tỷ lệ khoảng 10%, lớp trầm tích tại khu vực rạn có độ dày trung bình khoảng 10 - 15cm. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu ghi nhận ở khu vực rạn nhân tạo hiện có 91 loài cá; trong đó họ cá sơn, bàng chài, thia, lượng, phèn và cá bướm chiếm đa số. Mật độ trung bình cá phân bố tại các cụm rạn có xu hướng tăng theo thời gian. Cụ thể, tháng 6-2017 có 1.626 cá thể/cụm, đến tháng 8-2018 hơn 1.713 cá thể/cụm. Nhóm cá có kích thước nhỏ dưới 10cm chiếm tỷ lệ trung bình 87,6%, nhóm cá có kích thước 10 - 20cm chiếm 10,1%, nhóm cá có kích thước trên 20cm chỉ chiếm 2,2%. Đặc biệt, nhóm cá kích thước trên 20cm có sự xuất hiện của một số loài cá có giá trị thực phẩm như: cá hồng chấm đen, cá mú, cá kẽm hoa… Mật độ cá phân bố có sự khác nhau giữa không gian trong khu vực rạn và xung quanh rạn. Ngoài ra còn có 16 loài sinh vật đáy cỡ lớn, gồm: ốc vôi, ốc gai, cầu gai đen, tôm hùm, sò quạt, san hô mềm… “So với kết quả khảo sát cách đây khoảng 3 năm, thành phần loài cá tại khu vực rạn không thay đổi nhưng mật độ cá tăng, sinh vật đáy trù phú hơn, phát hiện thêm san hô mềm và các sinh vật đáy khác bám tại khu vực rạn. Điều đó cho thấy, rạn nhân tạo thích hợp cho một số loài đến cư ngụ. Tuy vậy, cá phân bố tại khu vực rạn chủ yếu cá cỡ nhỏ, các loài cá có giá trị thực phẩm chiếm tỷ lệ thấp, các sinh vật đáy có giá trị kinh tế xuất hiện thưa thớt”, Thạc sĩ Dung cho biết.


Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất hướng quản lý, khai thác rạn trong thời gian tới, đó là đơn vị được giao quyền sử dụng rạn cần phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tái thiết lập mô hình quản lý nhằm bảo vệ rạn kết hợp khai thác du lịch theo hướng sinh thái. Đồng thời, triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và các hoạt động bảo vệ, phục hồi nguồn lợi. Theo lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, thời gian qua, ban quản lý rạn thông qua các hoạt động như: Lắp đặt phao khoanh vùng bảo vệ rạn nhân tạo, tổ chức lặn khảo sát đánh giá khu vực rạn theo định kỳ 3 tháng/lần. Tuy nhiên, hoạt động khai thác tại khu vực rạn đang chịu  tác động của các hoạt động khai thác thủy sản ven bờ như: nghề lặn, nghề đánh lưới cước, mành đèn… Do đó, thời gian tới, Ban Quản lý vịnh Nha Trang sẽ triển khai lắp đặt thêm một số trang thiết bị khác để phục vụ công tác quản lý và phát triển vùng rạn.


Theo ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN, đề tài có giá trị ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa ra giải pháp quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rạn nhân tạo, phát triển đa dạng sinh học, tái tạo nguồn lợi cho người dân đánh bắt, khai thác mang tính bền vững. Mô hình cần được nhân rộng và tăng cường sự tham gia của các tổ chức để phục vụ du lịch, giải trí trên biển.


K.H