10:06, 26/06/2019

Đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài "Hiện trạng môi trường du lịch, những vấn đề cấp thiết đặt ra và giải pháp đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa". Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, về cơ bản, môi trường du lịch Khánh Hòa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. 
 

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Hiện trạng môi trường du lịch, những vấn đề cấp thiết đặt ra và giải pháp đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa”. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, về cơ bản, môi trường du lịch Khánh Hòa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. 
 
Vẫn còn một số hạn chế
 
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương - Viện Môi trường và Phát triển bền vững, chủ nhiệm đề tài, những năm qua, du lịch Khánh Hòa đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đã nảy sinh nhiều yếu tố thiếu bền vững; trong đó có môi trường du lịch. Đề tài được triển khai nhằm đánh giá về thực trạng môi trường du lịch và xác định những vấn đề môi trường gây ra, ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững của tỉnh. 

 

Phục hồi san hô phục vụ du lịch sinh thái.
Phục hồi san hô phục vụ du lịch sinh thái.
 
Để đánh giá mức độ phù hợp của môi trường cho phát triển du lịch Khánh Hòa, nhóm tác giả đã triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trắc về môi trường nước, không khí và điều tra thực tế khách du lịch, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, công cộng. Qua đó cho thấy, chỉ số về chất lượng của các môi trường thành phần đều nằm trong ngưỡng của giới hạn cho phép. Tuy nhiên, ở một số khu vực ven biển như bãi biển trung tâm TP. Nha Trang, địa hình một số nơi chưa thực sự thoải, gây nguy hiểm cho du khách. Ngoài ra, vùng nước ven bờ Bãi Dài thuộc bán đảo Cam Ranh còn tồn tại dòng Rip (dòng chảy rút xa bờ hay dòng rút bờ), rất nguy hiểm đối với khách du lịch tắm ở những khu vực này.
 
Riêng hiện trạng môi trường du lịch xã hội, qua nghiên cứu cho thấy hiện đã có những dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng mất an toàn  và các hoạt động ép giá, trộm cắp tài sản, áp lực giao thông… gây quan ngại cho du khách. Theo số liệu thống kê của đề tài, từ năm 2013 đến năm 2017 có 12 du khách thiệt mạng do đuối nước. Ngoài ra, hoạt động vận chuyển khách du lịch cũng là nguy cơ gây mất an toàn đến tính mạng của du khách trong quá trình tham quan du lịch tại Khánh Hòa. Cùng với đó, mức độ hài lòng của khách du lịch về môi trường xã hội chưa ở mức độ cao nhất, chỉ có 74,4% khách du lịch nội địa và 68% khách du lịch quốc tế đánh giá cao về sự thân thiện và mến khách của người dân Khánh Hòa; 72,8% khách du lịch nội địa và 72,1% khách du lịch quốc tế cho rằng môi trường an ninh, an toàn ở Khánh Hòa được đảm bảo.
 
Cần có giải pháp đồng bộ 
 
Để đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững, đề tài đã đưa ra một số giải pháp như: nâng cao nhận thức và tăng cường thể chế về bảo vệ môi trường (BVMT), tổ chức thực hiện các chính sách về BVMT trong du lịch; ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu; liên kết trong đảm bảo môi trường…
 
Mặt khác, tỉnh cần khuyến khích xây dựng các mô hình phát triển du lịch thân thiện với môi trường và đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Trong đó, đối với việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cho phát triển du lịch, 
 
UBND tỉnh, các ngành liên quan cần xây dựng một số mô hình “Cảnh sát du lịch”; “Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ khách du lịch”; “Trung tâm hỗ trợ du khách”; “Tổ tự quản an ninh, trật tự”… Cùng với đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững như: ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải từ hoạt động du lịch; xây dựng hệ thống mạng kết nối giữa các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh; lắp máy ghi hình cố định tại một số địa điểm du lịch thường xảy ra tình trạng cướp giật, bán hàng rong, tranh giành khách; cung cấp thông tin chính xác về y tế, an ninh, an toàn xã hội; phát triển hệ thống nhận dạng tự động…
 
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho rằng: “Đề tài có tính ứng dụng cao cho ngành Du lịch Khánh Hòa, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, các giải pháp đưa ra khá cụ thể và sát với tình hình thực tế tại địa phương”. Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá: “Đề tài đã chỉ ra được thực trạng về tình hình môi trường du lịch hiện nay trên địa bàn tỉnh. Kết quả của đề tài là cơ sở lý luận để các ngành chức năng của tỉnh có giải pháp xây dựng, tăng cường các biện pháp BVMT nhằm phát triển du lịch bền vững”.
 
KHÁNH HÀ