10:01, 03/01/2023

Thầy giáo làng và giấc mơ thời hội nhập

Cuối tháng 10-2022, trở về sau chuyến học tập kéo dài 7 tuần tại Hoa Kỳ, thầy Lê Chí Tôn (sinh năm 1987, giáo viên Trường THPT Tô Văn Ơn, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh) không chỉ mang theo hành trang kiến thức vừa lĩnh hội được, mà còn ấp ủ ý tưởng giúp đỡ học sinh nghèo nâng cao trình độ tiếng Anh.

Cuối tháng 10-2022, trở về sau chuyến học tập kéo dài 7 tuần tại Hoa Kỳ, thầy Lê Chí Tôn (sinh năm 1987, giáo viên Trường THPT Tô Văn Ơn, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh) không chỉ mang theo hành trang kiến thức vừa lĩnh hội được, mà còn ấp ủ ý tưởng giúp đỡ học sinh nghèo nâng cao trình độ tiếng Anh.


Thầy giáo dạy Toán đam mê tiếng Anh


Đây là chuyến đi trong Chương trình học bổng giáo viên xuất sắc Fulbright TEA (Teaching Excellence and Achievement) do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ cho giáo viên THCS, THPT của 65 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là chương trình học tập chuyên sâu, được giảng dạy bởi các giáo viên hàng đầu của Hoa Kỳ. Năm 2022, ở Việt Nam có 4 người và thầy Tôn là giáo viên Toán duy nhất, đầu tiên của Khánh Hòa được chọn tham gia. Đối với một thầy giáo làng của ngôi trường THPT thuộc địa bàn khó khăn của tỉnh, đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, khi cơ duyên lớn đã thành sự thật.

 

Thầy Tôn và giáo viên trong đoàn Fulbright TEA Việt Nam cùng với chuyên gia  của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Thầy Tôn và giáo viên trong đoàn Fulbright TEA Việt Nam cùng với chuyên gia của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.


Tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn năm 2009, thầy Tôn lựa chọn về giảng dạy tại quê nhà với khao khát làm điều gì đó cho công tác giáo dục ở quê nghèo. Công việc không có môi trường sử dụng tiếng Anh hàng ngày, nhưng thầy vẫn tự học, tự luyện tiếng Anh qua nhiều kênh khác nhau, các phương tiện học trực tuyến. “Mỗi ngày, tôi đều dành thời gian để học. Ngày nào mệt quá, tôi sẽ học ít hơn, chứ nhất định không bỏ dở”, thầy Tôn nói.  


Là giáo viên cốt cán của trường, thầy Tôn được coi là người tiên phong trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, đánh giá tích cực. Từ năm 2009 đến nay, thầy đã mở nhiều lớp dạy Toán miễn phí cho học sinh lớp 12. Trong số đó, nhiều em đã đỗ vào những trường đại học danh tiếng, thành đạt sau khi ra trường và tham gia gây quỹ hỗ trợ các học sinh khóa sau. Trong những năm xảy ra đại dịch Covid-19, thầy cũng tổ chức các lớp học trực tuyến miễn phí cho học sinh. Trên trang Facebook của mình, nhiều cựu học sinh đã kể về những tiết học đầy ắp tiếng cười, những giờ học được nghe thầy giảng “full English” (hoàn toàn bằng tiếng Anh) và tự hào từng là học trò của thầy Tôn năm ấy.


Thí điểm dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo


Trong câu chuyện của mình, thầy Tôn luôn trăn trở rằng người Việt Nam không thua kém thế giới về kiến thức, kỹ năng, nhưng vấn đề ngoại ngữ lại là rào cản lớn để hội nhập. Thầy khao khát học sinh trường mình nói riêng, của Khánh Hòa và Việt Nam nói chung, đặc biệt là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa có thể sử dụng tốt ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp phổ thông. Có vậy, các em mới có nhiều cơ hội phát triển bản thân và khám phá thế giới. Sau khóa học, với sự hỗ trợ từ Hội đồng Giáo sư của Đại học Georgia State (Hoa Kỳ), thầy Tôn ngay lập tức xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo tại trường mình. Trước mắt, chương trình triển khai dạy thí điểm kỹ năng nói tiếng Anh cho học sinh lớp 10 và 11, mỗi khối 1 lớp, mỗi lớp khoảng 20 em.

 

Thầy Tôn và các giáo viên trong đoàn tham gia  Chương trình Fulbright TEA của Việt Nam tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Thầy Tôn và các giáo viên trong đoàn tham gia Chương trình Fulbright TEA của Việt Nam tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.


Chương trình Fulbright TEA đã mang lại cho thầy Tôn cơ hội học hỏi các kỹ năng và phương pháp giảng dạy tiên tiến của nền giáo dục Hoa Kỳ và thế giới. Cũng trong chuyến đi này, thầy đã có dịp tham gia ngày hội giao lưu văn hóa tìm hiểu về các quốc gia trên khắp các châu lục, được tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, về quê hương Khánh Hòa. Chuyến đi đã làm thay đổi rất nhiều quan điểm của thầy về phương pháp giảng dạy, cách ứng xử với học sinh, trách nhiệm phát triển chuyên môn đối với nhà trường và đóng góp cho cộng đồng. “Cách tôi tiếp cận và giảng dạy cho học sinh của mình là để các em tự tin thể hiện chính kiến, suy nghĩ. Khi đăng ký ứng tuyển Chương trình Fulbright TEA, tôi không dám nghĩ mình sẽ được lựa chọn. Sau khi được chọn và tham gia khóa học, tôi nhận ra, bạn không cần quá xuất sắc, chỉ cần bạn nhiệt huyết, có đam mê, có tinh thần đóng góp cho phát triển chuyên môn và cống hiến, phục vụ cộng đồng. Mong rằng sẽ có nhiều thầy, cô giáo mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, đăng ký tham gia chương trình để có thêm cơ hội học hỏi, mở mang kiến thức”, thầy Tôn chia sẻ.

 

Một trong những điều kiện của ứng viên dự tuyển Chương trình Fulbright TEA là phải có năng lực tiếng Anh tương đương trình độ B1 theo Khung năng lực châu Âu, hoặc có điểm thi TOEFL iBT tối thiểu 45 điểm, hoặc điểm thi IELTS tối thiểu 5.5 điểm.

_________________________________

Tháng 11-2022, thầy Tôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập năm học 2021 - 2022”. Thầy cũng là một trong số các giáo viên của tỉnh tham gia lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên dạy các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2022. Bài báo cáo về nghiên cứu giáo dục của thầy sẽ được giới thiệu tại Hội nghị châu Á về giáo dục và phát triển quốc tế tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 3-2023.


HOÀNG NGÂN