11:08, 08/08/2022

Đổi mới dạy và học môn Ngữ văn

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa hướng dẫn việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong trường phổ thông từ năm học 2022 - 2023 trên cơ sở định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa hướng dẫn việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong trường phổ thông từ năm học 2022 - 2023 trên cơ sở định hướng của Bộ GD-ĐT.


Cần thoát khỏi khuôn mẫu, lối mòn


Theo cô Nguyễn Thị Thanh Vân - Tổ phó chuyên môn Tổ Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang), việc đổi mới dạy học nói chung, dạy học môn Ngữ văn nói riêng đã được các cơ quan quản lý quan tâm chỉ đạo, giáo viên (GV) nỗ lực thực hiện, song vẫn chưa quyết liệt, triệt để. Việc dạy học vẫn gắn liền với kiểm tra, thi cử, thiên về trang bị kiến thức và kỹ năng viết đoạn, viết bài hơn là phát triển toàn diện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe cho học sinh (HS). Kỹ năng viết lại gắn với các tác phẩm văn học thuộc phạm vi thi cử nên dễ dẫn đến làm bài theo văn mẫu, tâm thế học của HS bị động, việc dạy của GV cũng mòn cũ, áp đặt. Vì vậy, đổi mới dạy học môn Ngữ văn là yêu cầu cần thiết, giúp thoát khỏi tình trạng sáo mòn, áp đặt trong dạy học và quẩn quanh trong thi cử. Đây cũng là yêu cầu mang tính bắt buộc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

 

Thí sinh dự thi môn Ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Thí sinh dự thi môn Ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.


Cô Hồ Thị Thanh, GV môn Ngữ văn Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh cho rằng, GV đã được tiếp cận với các phương pháp mới và có tâm thế chào đón sự đổi mới từng bước. HS đã được học môn Ngữ văn qua hình thức sâu khấu hóa, thuyết minh về các danh nhân, tham gia hoạt động thực hành nhóm như: sưu tầm tác phẩm văn học dân gian theo thể loại, thử chấm bài làm của nhau… Thay cho một giờ học khô khan mà chỉ có cô nói - trò nghe, cô đọc - trò chép, những hoạt động nêu trên đã tạo cho học sinh hứng thú, góp phần bồi dưỡng kỹ năng trình bày, phản biện và nhiều kỹ năng khác. Tuy nhiên, những giờ học như vậy chưa nhiều, tình trạng dạy và học theo khuôn mẫu, lối mòn vẫn còn. Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT trong điều kiện còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng kịp thời thực tế giảng dạy, cụ thể ở môn Ngữ văn là thiếu tài liệu tham khảo, video học liệu để giờ học sinh động, hấp dẫn hơn... Đổi mới đòi hỏi GV phải chủ động, linh hoạt trong cách dạy, HS phải chủ động hơn trong việc học và  tư duy độc lập.


Thay đổi cách dạy và đánh giá


Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT,  GV môn Ngữ văn cần tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS, dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mỹ. Trong đó, đối với dạy đọc, GV cần giúp HS biết cách đọc hiểu văn bản, trang bị công cụ, cách thức để đọc hiểu các văn bản cùng thể loại. GV có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp HS đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của HS; tránh đọc chép và yêu cầu HS ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Đối với dạy viết, chú trọng yêu cầu HS hình thành ý tưởng và biết cách trình bày ý tưởng, thực hiện các bước tạo lập văn bản, tăng cường sử dụng các bài tập gắn với các tình huống thực tiễn và giả định.


Bên cạnh đó, việc đánh giá HS cũng phải đổi mới theo hướng đảm bảo nguyên tắc phát huy những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, tư duy hình tượng, tư duy logic của HS. Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm và cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực HS, khắc phục tình trạng chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Đồng thời, khuyến khích sử dụng các đề mở và xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Trong đó, phải xây dựng ma trận đề, có hướng dẫn chấm, đáp án, biểu điểm theo ý tưởng tương đồng. Khi đánh giá các sản phẩm của HS, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của mỗi em. Các phòng GD-ĐT, nhà trường cần tăng cường đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm, tăng cường hoạt động dự giờ, hội nghị, hội thảo, giao lưu… để GV trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.


Theo cô Nguyễn Thị Thanh Vân, nếu như trước đây sách giáo khoa mang tính pháp lệnh, các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa là đối tượng hướng đến của việc dạy và học thì nay, chương trình mới là bắt buộc, mang tính pháp lệnh, còn sách giáo khoa chỉ là phương tiện minh họa cho chương trình; các tác phẩm trong sách giáo khoa chỉ đóng vai trò là kênh gợi ý, tham khảo cho yêu cầu cần đạt được của chương trình. GV có thể chủ động lựa chọn những tác phẩm để dạy đọc mở rộng hoặc linh hoạt thay thế sao cho đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thi cử không được dùng lại ngữ liệu trong sách giáo khoa, kể cả phần nghị luận văn học sẽ là đòn bẩy thúc đẩy việc đổi mới dạy học quyết liệt hơn, thiết thực hơn. Điểm sáng này đòi hỏi người thầy phải bản lĩnh, trau dồi chuyên môn vững vàng, đọc rộng và nâng cao trình độ chuyên môn liên tục; người học phải thật sự thành thạo, nhuần nhuyễn các kỹ năng. Cùng với đổi mới cách dạy và học, việc đổi mới kiểm tra, thi cử nên được bắt đầu áp dụng đối với lớp 10 năm học 2022 - 2023 để tạo tính đồng bộ, xuyên suốt trong dạy và học ở toàn cấp học.


H.NGÂN