10:06, 30/06/2022

Chuyển đổi số thư viện trường học

Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện "Đề án phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số thư viện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Trong năm học 2022-2023, mỗi phòng GD-ĐT sẽ chọn 1 trường thực hiện thí điểm mô hình "Chuyển đổi số thư viện trường tiểu học" và từng bước nhân rộng trong những năm tiếp theo.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số thư viện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Trong năm học 2022-2023, mỗi phòng GD-ĐT sẽ chọn 1 trường thực hiện thí điểm mô hình “Chuyển đổi số thư viện trường tiểu học” và từng bước nhân rộng trong những năm tiếp theo.


25 thư viện trường tiểu học chưa đạt chuẩn


Hoạt động thư viện có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, cũng là một điều kiện để đánh giá trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay hiệu quả hoạt động tại các thư viện trường học không đồng đều, phong trào phát triển văn hóa đọc ở nhiều trường vẫn còn hạn chế. Toàn tỉnh có 174 trường tiểu học nhưng chỉ có 153 trường có thư viện riêng, còn lại là sử dụng chung với phòng thiết bị. Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 52 trường có thư viện đạt tiên tiến, 97 trường có thư viện đạt chuẩn và 25 trường có thư viện chưa đạt. Huyện Khánh Sơn chỉ có 1 trường có thư viện đạt chuẩn, còn lại 5 trường chưa có thư viện đạt chuẩn; huyện Khánh Vĩnh chỉ có 7 trường có thư viện đạt chuẩn, 9 trường chưa có thư viện đạt chuẩn. TP. Nha Trang có 6 thư viện trường tiểu học tiên tiến, 29 thư viện đạt chuẩn, 6 thư viện chưa đạt chuẩn... Tổng số nhân viên thư viện và thiết bị trường học là 197 người, song có trường có nhân viên thư viện riêng, có trường phải bố trí nhân viên kiêm nhiệm, hoặc chỉ hợp đồng tạm thời, có trường không có do cắt giảm biên chế.

 

Học sinh Trường Tiểu học Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh) đọc sách tại thư viện. Ảnh: T.Trúc

Học sinh Trường Tiểu học Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh) đọc sách tại thư viện. Ảnh: T.Trúc


Trong xu thế phát triển hiện nay, việc xây dựng đề án phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số thư viện trong trường tiểu học là cần thiết, giúp học sinh, giáo viên có môi trường đọc hiện đại, tiện ích hơn, tiếp cận với nguồn thông tin, tri thức đa dạng hơn. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 100% trường tiểu học có thư viện được cung cấp dịch vụ Internet miễn phí, 60% thư viện có hệ thống máy tính và trang thiết bị điện tử hiện đại, được trang bị phần mềm quản lý thư viện phục vụ chuyển đổi số thư viện, có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập; có ít nhất 50% trường tiểu học có thư viện đạt chuẩn theo quy định. Định hướng đến năm 2030 sẽ hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu số về tài nguyên thông tin được kết nối liên thông, chia sẻ rộng rãi để bổ sung nguồn tài liệu phong phú, đa dạng, phù hợp cho thư viện các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.


Thí điểm mô hình chuyển đổi số thư viện


Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để thực hiện đề án, sở đã yêu cầu các phòng GD-ĐT rà soát, thống kê và xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống thư viện trường tiểu học trên địa bàn. Trong đó, cần sửa chữa, cải tạo các thư viện đã xuống cấp, chưa đạt chuẩn quy định; xây dựng thư viện mới đối với các trường chưa có thư viện hoặc thư viện dùng chung với phòng chức năng khác. Bên cạnh đó, từng bước nâng cấp, hoàn thiện, phát triển cơ sở vật chất thư viện (phòng đọc, trang thiết bị hiện đại, hệ thống phần mềm quản lý, sử dụng thư viện...), đáp ứng yêu cầu các dịch vụ thư viện số. Mỗi phòng GD-ĐT sẽ lựa chọn 1 trường tiểu học thực hiện thí điểm mô hình “Chuyển đổi số thư viện trường tiểu học” trong năm học 2022-2023. Các trường này sẽ được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện và các điều kiện đảm bảo thực hiện thí điểm mô hình, tổ chức một số hoạt động nổi bật, hiệu quả để giới thiệu cho các trường trên địa bàn tham quan, học tập. Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra, giám sát việc xây dựng văn hóa đọc, chuyển đổi số thư viện trong nhà trường để đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai của các phòng GD-ĐT và hỗ trợ thực hiện.


Đề án cũng chú trọng tới việc đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện trường tiểu học trên địa bàn, giữa thư viện trường tiểu học với thư viện tỉnh, huyện...; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ các thư viện số dùng chung qua các phần mềm từ các thiết bị điện tử; phát triển hệ thống thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện lưu động và luân chuyển nguồn thông tin trong thư viện (giữa các thư viện góc lớp, thư viện các điểm trường), giữa các thư viện với nhau (thư viện trên địa bàn; thư viện tỉnh, huyện...) để đảm bảo sử dụng hiệu quả tối đa nguồn thông tin của thư viện. Bên cạnh đó, các trường tiểu học cần phân công một cán bộ quản lý nhà trường trực tiếp phụ trách công tác thư viện, tiến hành rà soát đội ngũ nhân viên thư viện để có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác này.


H.NGÂN