11:09, 19/09/2021

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp linh động trong tuyển sinh, đào tạo

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã linh động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và mạng xã hội để tư vấn, tuyển sinh; xây dựng các phương án đào tạo nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng trong giảng dạy…

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã linh động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và mạng xã hội để tư vấn, tuyển sinh; xây dựng các phương án đào tạo nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng trong giảng dạy…


Nỗ lực tuyển sinh


Đầu năm 2021, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh đã lên phương án trực tiếp đến từng trường THCS, THPT để tư vấn, tuyển sinh năm học 2021-2022. Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát đúng vào cao điểm tuyển sinh. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, trường đã linh động chuyển sang phương án tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thông qua trang tuyensinh.gdnn.gov.vn, mạng xã hội, phát thanh, truyền hình của huyện… Nhờ đó, đến nay, trường đã tuyển sinh được 180 học sinh hệ trung cấp, đạt 100% kế hoạch giao.

 

Đào tạo nghề mộc tại Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh.  Ảnh do đơn vị cung cấp

Đào tạo nghề mộc tại Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh. Ảnh do đơn vị cung cấp


Trong bối cảnh huyện Vạn Ninh phải thực hiện giãn cách xã hội, Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để tuyển sinh; đồng thời, thiết lập các chuyên trang trên mạng xã hội và website của trường để tư vấn tuyển sinh online. Đến nay, trường đã tuyển được 255 học sinh hệ trung cấp, đạt hơn 70%. Nhà trường vẫn đang tiếp tục tuyển sinh, dự kiến đến tháng 11 sẽ hoàn thành.


Ngoài sử dụng website, mạng xã hội, Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm còn gửi văn bản tuyển sinh đến các xã, thị trấn; gọi điện trực tiếp cho học sinh, phụ huynh để tư vấn tuyển sinh và sử dụng zalo để gửi hồ sơ cho học sinh. Nhờ đó, đến nay, trường đã tuyển được hơn 140 học sinh hệ trung cấp, đạt 50% kế hoạch. Trường đang tiếp tục tuyển sinh, dự kiến đến tháng 10 hoàn thành kế hoạch…


Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để đảm bảo kế hoạch năm học 2021-2022, sở đã họp bàn với các trường đưa ra nhiều phương án tuyển sinh trực tuyến. Nhiều trường đã thiết lập công cụ live chat trên website của trường hoặc hệ thống hotline; xây dựng cẩm nang, thông tin, tranh ảnh, tài liệu… để tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh. Qua đó, đến nay các trường đã tuyển được 1.627 sinh viên hệ cao đẳng (kế hoạch tuyển 3.950 sinh viên), 2.868 học sinh hệ trung cấp (kế hoạch tuyển 3.750 học sinh), 15.746 học viên sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng (kế hoạch tuyển 21.750 học viên). Trong đó, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh và Khánh Sơn đã tuyển sinh đạt 100% kế hoạch.


Chuẩn bị các phương án đào tạo


Ông Kiều Xuân Khiêm - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh cho biết, nhà trường đã xây dựng kịch bản, phương án đào tạo thích ứng với điều kiện dịch bệnh. Thời gian tới, khi dịch được không chế, trường sẽ tổ chức học tập trung, bố trí mỗi lớp không quá 30 người và chia thành từng nhóm học để hạn chế sự tiếp xúc; quá trình học tập thực hiện nghiêm “5K”. Nếu dịch kéo dài, chưa thể học tập trung, trường sẽ tổ chức học trực tuyến nội dung lý thuyết qua phần mềm Zoom. Quá trình học được tổ chức theo đúng quy định về thi, kiểm tra và được ghi âm, ghi hình; sử dụng gmail, zalo để gửi đề cương bài giảng cho học sinh. Khi điều kiện cho phép, trường tổ chức học thực hành, kỹ năng nghề tập trung cho học sinh để đảm bảo chất lượng, tay nghề cho người học. Tuy nhiên, hiện nay, đa số học sinh trên địa bàn huyện thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, chưa đủ điều kiện tiếp cận thiết bị đa phương tiện, internet nên việc học trực tuyến sẽ gặp rất nhiều trở ngại, khó đạt hiệu quả.


Ông Viên Ngọc Bàng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh chia sẻ, tuy trường đang sử dụng khu ký túc xá làm nơi cách ly tập trung các trường hợp F1 nhưng nằm tách biệt với khu giảng dạy. Do vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhà trường sẽ tổ chức học tập trung. Trong trường hợp dịch vẫn còn kéo dài, trường sẽ dạy lý thuyết trực tuyến cho học sinh. Khi đảm bảo an toàn, trường sẽ bố trí học thực hành kỹ năng nghề. Đối với những học sinh ở xa trường hơn 15km, chưa thể ở lại ký túc xá, trường đã kiến nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ chi phí đi lại cho học sinh…


Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua kiểm tra cho thấy, các trường rất linh hoạt trong công tác tuyển sinh; chủ động xây dựng các phương án đào tạo trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp nhằm đảm bảo chương trình, kế hoạch. Tuy nhiên, với đặc thù dạy nghề đa phần lượng thời gian học thực hành, rèn kỹ năng nghề là chính nên không thể học trực tuyến kéo dài. Do vậy, các trường cần chuẩn bị tốt các phương án đào tạo tập trung khi tình hình dịch được kiểm soát.


VĂN GIANG