04:02, 25/02/2021

Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp ở Khánh Vĩnh: Phù hợp nhu cầu dạy, học

Thời gian qua, việc thực hiện quy hoạch hệ thống mạng lưới trường lớp và sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục đã được huyện Khánh Vĩnh quan tâm triển khai. Qua đó, huyện đã từng bước đảm bảo về hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất dạy học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.

Thời gian qua, việc thực hiện quy hoạch hệ thống mạng lưới trường lớp và sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục đã được huyện Khánh Vĩnh quan tâm triển khai. Qua đó, huyện đã từng bước đảm bảo về hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất dạy học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (HS) trên địa bàn.


Năm học 2020 - 2021, toàn huyện có 38 trường học. Trong đó, bậc mầm non 16 trường, giảm 1 trường so với năm học 2019 - 2020 (sáp nhập Trường Mầm non Sao Mai với Trường Mầm non 2-8 thành Trường Mầm non 2-8); bậc tiểu học 16 trường; bậc THCS 5 trường, giảm 1 trường so với năm học 2019 - 2020 (sáp nhập Trường THCS Nguyễn Thái Bình với phân hiệu Trường THPT Lạc Long Quân tại xã Khánh Bình, thành lập trường mới lấy tên Trường THCS và THPT Nguyễn Thái Bình trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo) và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh. So với năm học 2012 - 2013, toàn huyện tăng 7 trường (mầm non 2 trường, tiểu học 2 trường, THCS 3 trường).

 

Giờ học tại Trường Tiểu học Khánh Nam.

Giờ học tại Trường Tiểu học Khánh Nam.


Theo bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện, nhìn chung giai đoạn 2012 - 2020, ngành Giáo dục huyện cơ bản đạt mục tiêu chung. Trong đó, nổi bật là quy mô phát triển của các cấp học từ mầm non đến THCS đã đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ tại địa phương. Từ năm 2012 đến nay, nhiều công trình phòng học, công trình phục vụ hoạt động trường học đã được đầu tư xây dựng theo quy hoạch với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ đồng. Ngoài ra, các công trình không có trong quy hoạch cũng được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 117 tỷ đồng.


Cùng với đó, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị trường học được tăng cường, bảo đảm công tác dạy học và các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường, giúp cho chất lượng giáo dục từng bước ổn định và phát triển. Ở cấp mầm non, 100% trường đều tổ chức bán trú, tỷ lệ huy động trẻ đến trường hàng năm đạt kế hoạch đề ra; chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ngày càng được nâng lên, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Đến cuối học kỳ 1 năm học 2020 - 2021, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân độ tuổi nhà trẻ 8,1% (giảm 5,8% so với đầu năm học), độ tuổi mẫu giáo 14,8% (giảm 6,3%); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi độ tuổi nhà trẻ 13,3% (giảm 2,6%), độ tuổi mẫu giáo 19,7% (giảm 2,5% so với đầu năm học). Số xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 14/14 xã, tỷ lệ 100%.


Ở bậc giáo dục tiểu học, 16/16 trường trong toàn huyện có lớp dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức ăn trưa bán trú. 100% xã, thị trấn đều giữ vững đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học. Có 4/16 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 25%. Ở bậc THCS, toàn huyện có 6 trường THCS với 2.318 HS (tỷ lệ huy động đạt 91,1% so với dân số trong độ tuổi). Số HS tuyển mới vào lớp 6 năm học này là 810, đạt 100% so với số HS đã hoàn thành chương trình tiểu học. Hiện nay, 100% xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS. Tỷ lệ tuyển sinh lớp 6 hàng năm đạt 100%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS hàng năm bình quân hơn 98%. Từ năm học 2012 - 2013 đến nay, không có tình trạng HS yếu kém về mặt hạnh kiểm. Về học lực, tỷ lệ HS khá, giỏi tăng qua từng năm, về cơ bản đã phản ánh đúng thực chất giáo dục của ngành. Về trường đạt chuẩn quốc gia, hiện nay, địa phương chưa có trường nào đạt chuẩn vì nhiều trường mới thành lập, chưa đủ điều kiện đạt chuẩn.


Theo bà Mến, do đặc thù của huyện có địa bàn rộng, dân số sống không tập trung, khoảng cách giữa các điểm trường xa nhau, người dân không muốn cho con em đi học xa nhà nên việc đảm bảo sĩ số HS/lớp (35 HS/lớp đối với cấp tiểu học) còn khó khăn. Đa số HS các đơn vị trường học là người dân tộc thiểu số, vốn tiếng Việt còn hạn chế và là ngôn ngữ thứ hai, do đó, việc tiếp thu kiến thức của các em còn chậm. Vì vậy, địa phương đã đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị với các cấp xem xét việc quy định số lượng HS/lớp cho phù hợp với đặc thù các vùng miền. Bên cạnh đó, trong năm 2021 và thời gian tiếp theo, UBND huyện sẽ tiếp tục bố trí, sắp xếp trường, lớp phù hợp với tình hình địa phương và bố trí số HS/lớp tăng để đảm bảo chất lượng dạy học trên địa bàn huyện.


VĨNH THÀNH