10:01, 13/01/2021

Trải nghiệm để hiểu thêm về di sản

Nhận thấy những bất cập trong việc giáo dục kiến thức di sản văn hóa trong nhà trường hiện nay, nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Thành phố Nha Trang) đã bắt tay thực hiện dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Khánh Hòa thông qua hoạt động trải nghiệm". Dự án đã đạt giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2020 - 2021.

Nhận thấy những bất cập trong việc giáo dục kiến thức di sản văn hóa trong nhà trường hiện nay, nhóm học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) đã bắt tay thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Khánh Hòa thông qua hoạt động trải nghiệm”. Dự án đã đạt giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp tỉnh năm học 2020 - 2021.


Nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá di sản


Với sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Thanh Vân - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, hai HS Nguyễn Siêu và Đàm Thục Quyên - học lớp 12 đã tiến hành điều tra, khảo sát đối với các bạn HS của 5 trường THPT trên địa bàn TP. Nha Trang. Kết quả cho thấy, đa số HS ít quan tâm và thiếu thông tin về các di sản văn hóa địa phương, còn các hoạt động trải nghiệm về di tích lịch sử trong trường phổ thông chưa rộng khắp. Từ thực trạng đó, nhóm đã triển khai đề tài “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Khánh Hòa thông qua hoạt động trải nghiệm”.

 

Hai em Nguyễn Siêu và Đàm Thục Quyên tham quan, tìm hiểu  di tích lịch sử văn hóa.

Hai em Nguyễn Siêu và Đàm Thục Quyên tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa.


47 lớp với 243 sản phẩm, gồm 47 tờ báo tường, 2 tập san, 1 tệp thuyết trình powerpoint và 193 clip là những thành quả đáng ghi nhận kể từ khi nhóm phát động và triển khai đề tài. Trước đó, nhóm phối hợp với Đoàn trường tổ chức hoạt động sáng tác báo tường chủ đề “Về nguồn”, nội dung xoay quanh các di tích lịch sử, văn hóa Khánh Hòa và ca ngợi truyền thống tôn sư trọng đạo. Trong số các sản phẩm, nổi bật và được chú ý nhất là tập san “Con đường di sản” do chính các HS xây dựng nội dung, thiết kế, trình bày và in màu. Nhóm còn lập kênh youtube “Con đường di sản Khánh Hòa”, chọn lọc và đăng tải những clip do các bạn HS thực hiện để tuyên truyền, quảng bá thông tin về di sản văn hóa địa phương. Những clip tuy không thể so sánh với các sản phẩm chuyên nghiệp, nhưng mang màu sắc học trò, được sáng tạo theo cách riêng của từng lớp, là thành quả những chuyến đi trải nghiệm của các HS tại nhiều địa điểm văn hóa nổi tiếng trong tỉnh như: Chùa Suối Đổ, Thành cổ Diên Khánh (huyện Diên Khánh), Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, miếu Thiên Hậu Hải Nam (TP. Nha Trang)…


Bên cạnh đó, nhóm còn phối hợp với Đoàn trường thực hiện chương trình phát thanh thanh niên “Xứ Trầm Hương” vào giờ ra chơi thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần. Mỗi số phát thanh gồm 3 mục: “Quê nhà tôi ơi”, giới thiệu một di sản văn hóa Khánh Hòa; “Tình ca xứ sở”, giới thiệu một ca khúc hay về Khánh Hòa, đất nước; “Dân ta phải biết sử ta”, đưa ra một câu hỏi về di sản văn hóa địa phương cho thính giả. Từ khi ra mắt, chương trình đã thu hút sự quan tâm theo dõi của thầy cô và đông đảo HS. Ngoài ra, từ đề xuất của nhóm thực hiện dự án, nhà trường đã phối hợp với Thành đoàn Nha Trang tổ chức hội thi “Con đường di sản Khánh Hòa” cho HS THPT trên địa bàn thành phố, một sân chơi tìm hiểu di sản được các HS nhiệt tình hưởng ứng.


Trở thành một hoạt động giáo dục định kỳ


Không chỉ dừng ở đó, hai em Nguyễn Siêu và Đàm Thục Quyên còn xây dựng website http://trainghiemditichkhanhhoa.com nhằm hỗ trợ cẩm nang di tích cho du khách và cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm gắn với văn hóa nguồn cội cho giáo viên, HS. Vào website, người xem có thể dễ dàng xem danh sách và thông tin cụ thể của 16 di tích lịch sử - danh thắng xếp hạng cấp quốc gia và 176 di tích cấp tỉnh. Em Nguyễn Siêu cho biết: “Hiện nay, thông tin về các di tích tuy nhiều nhưng còn rời rạc, chủ yếu nặng về thuyết minh lịch sử hình thành và giá trị từng di tích lịch sử - văn hóa, hiệu quả sử dụng thông tin cho các chuyến trải nghiệm tham quan khám phá chưa cao. Với website này, chúng em mong muốn thiết kế cẩm nang di tích theo lịch trình, gợi ý những điểm di tích gần nhau, dễ kết hợp tham quan trong thời gian ngắn và những thông tin ngắn gọn bổ ích về chuỗi di tích đó cho du khách tham khảo lựa chọn”.  


Theo cô Nguyễn Thị Thanh Vân, trong quá trình thực hiện dự án, nhóm đã liên hệ và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh về thông tin, công tác tham quan, tìm hiểu trực tiếp di tích; đồng thời được nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiến hành, triển khai các hoạt động. Điểm mới của dự án là nhóm đã đề xuất nhà trường đưa hoạt động trải nghiệm gắn với việc tìm hiểu các di sản văn hóa địa phương thành một hoạt động giáo dục bắt buộc, định kỳ của kế hoạch năm học nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tạo điều kiện cho HS tích lũy tri thức từ thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, đề tài có thể phát triển thành tài liệu tham khảo cho chương trình giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới, là kênh tham khảo cho giáo viên trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong trường phổ thông và là cẩm nang di tích cho du khách. Thông qua việc thực hiện đề tài, các HS nhận thức rõ hơn về giá trị, tầm quan trọng của di sản văn hóa Khánh Hòa nói riêng, cả nước nói chung, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.


H.NGÂN