11:01, 28/01/2021

Đề xuất miễn học phí cho sinh viên ngành Khai thác thủy sản

Với thực trạng nhiều năm liền không thể mở lớp đào tạo ngành Khai thác thủy sản do không tuyển sinh được đầu vào, Trường Đại học Nha Trang đang làm đề án "Đào tạo sinh viên- ngành Khai thác thủy sản" trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Lương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang cho biết:

Với thực trạng nhiều năm liền không thể mở lớp đào tạo ngành Khai thác thủy sản (KTTS) do không tuyển sinh được đầu vào, Trường Đại học Nha Trang (ĐHNT) đang làm đề án “Đào tạo sinh viên - SV - ngành KTTS” trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Lương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ KTTS, Trường ĐHNT cho biết:

 


- Trường ĐHNT là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đào tạo ngành KTTS (trình độ kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ). Trong giai đoạn 1999 - 2009, mỗi năm trường đào tạo khoảng 100 kỹ sư ngành KTTS nhưng từ năm 2009 đến nay, trường chỉ đào tạo được hơn 50 kỹ sư. Trong đó, nhiều năm liền trường không thể mở lớp đào tạo do không tuyển sinh được đầu vào.


10 năm qua, chỉ có 67 SV học ngành KTTS, con số không đáng kể so với nhu cầu về vị trí việc làm. Số SV vào học chủ yếu là con em trong ngành cùng với nỗ lực vận động tài trợ của nhà trường để thu hút SV. Cụ thể, năm 2018 và 2019, nhờ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp như: Siambrother, Mecom, Hải Đăng tài trợ học phí cho 4 năm học (năm 2018 được 10 suất, năm 2019 được 7 suất) đã thu hút được 17 SV đăng ký theo học. Do SV ít nên cơ hội việc làm rất lớn. Hàng năm, các sở, ngành, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đều “đặt hàng” SV ngành KTTS khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng vẫn không tìm được SV về làm việc.


- Nguyên nhân nào khiến ngành KTTS tuy đang rất thiếu nhân lực, SV được chào mời về làm việc ngay sau khi ra trường nhưng vẫn không tuyển sinh được, thưa ông?


- Nguyên nhân giảm sút nghiêm trọng quy mô đào tạo ngành KTTS một phần do sự chuyển đổi của ngành từ quốc doanh sang “nghề cá nhân dân”. Cùng với đó, do điều kiện làm việc của người lao động trong ngành nặng nhọc, nguy hiểm, thu nhập thấp và bấp bênh; việc chuẩn hóa công tác chuyên môn trong các cơ quan, đơn vị quản lý ngành và địa phương chưa đáp ứng nhu cầu công việc do công tác nhân sự nên không hấp dẫn người học. Trong khi đó, con em ngư dân đa phần khó khăn, không có điều kiện đi học với mức chi phí khá cao ở thành phố. Tuy nhà trường đã có nhiều chính sách ưu tiên thu hút người học như: Hạ điểm chuẩn, ưu tiên ở ký túc xá, giảm học phí, tổ chức mở lớp vừa làm, vừa học tại các địa phương... nhưng không đạt được hiệu quả. Công tác xã hội hóa trong quá trình đào tạo cũng không ổn định mà chỉ thực hiện theo quy mô nhỏ, lẻ và thậm chí không thực hiện được.


- Trước thực trạng này, cần có giải pháp gì để thu hút nhiều SV theo học ngành KTTS, thưa ông?


- Để tìm hướng đi mới cho việc tuyển sinh, Trường ĐHNT đang làm đề án “Đào tạo SV ngành KTTS” trình Bộ NN-PTNT phê duyệt với đề xuất miễn 100% học phí cho SV muốn vào học ngành này.


Theo đề án, trường đề xuất 2 phương án tuyển sinh. Thứ nhất là cử tuyển: Bộ NN-PTNT giao chỉ tiêu cần tuyển để bổ sung cho các đơn vị trực thuộc bộ; chỉ tiêu được xác lập dựa trên cơ sở nhu cầu, kế hoạch tuyển dụng, nghỉ hưu ở các đơn vị. Sau khi được đào tạo, ứng viên sẽ được bố trí công tác tại các đơn vị trực thuộc bộ. Để đáp ứng được yêu cầu công việc theo hệ thống ngành dọc, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh và Sở NN-PTNT cử tuyển theo nhu cầu của từng địa phương. Các tỉnh theo chỉ tiêu được phân bổ sẽ cử con em của tỉnh đi đào tạo, sau khi ra trường tiếp nhận vào làm việc tại đơn vị cử đi. Các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký và tự tuyển sau đó tiếp nhận các em vào làm việc theo yêu cầu của doanh nghiệp.


Ngoài phương thức tuyển sinh theo phương án cử tuyển, hàng năm, dành ra một số chỉ tiêu để tuyển theo phương thức đăng ký dự tuyển Đề án tuyển sinh của Trường ĐHNT. Đối với thí sinh đăng ký dự tuyển theo phương thức này vẫn được hỗ trợ kinh phí học tập như phương án cử tuyển.


- Xin cảm ơn ông!


THÁI THỊNH (Thực hiện)