11:01, 07/01/2021

Chương trình "Sữa học đường" ở Khánh Sơn: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ

Từ năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Sơn bắt đầu triển khai chương trình "Sữa học đường" trong tất cả các trường mầm non trên địa bàn huyện. Qua đó, đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

Từ năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Khánh Sơn bắt đầu triển khai chương trình “Sữa học đường” trong tất cả các trường mầm non trên địa bàn huyện. Qua đó, đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD).


Trường Mầm non Vành Khuyên (xã Sơn Bình) bắt đầu triển khai chương trình “Sữa học đường” từ năm học 2017 - 2018 đối với tất cả các lớp học từ nhà trẻ đến mẫu giáo. Theo cô Lê Thị Tuyết Hằng - Phó Hiệu trưởng nhà trường, các cháu những lớp nhà trẻ được uống sữa từ thứ Hai đến thứ Sáu (mỗi ngày 1 hộp), trẻ mẫu giáo được uống 3 hộp/tuần. Những học sinh (HS) thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được miễn phí 100%; những HS thuộc đối tượng khác được hỗ trợ 70% còn phụ huynh đóng 30%.

 

Học sinh Trường Mầm non 1-6 trong giờ uống sữa. Ảnh: Hoàng Quý

Học sinh Trường Mầm non 1-6 trong giờ uống sữa. Ảnh: Hoàng Quý


Toàn trường có khoảng 80% số trẻ là con em đồng bào DTTS; nhiều trẻ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Qua hơn 3 năm thực hiện chương trình, tình trạng SDD ở trẻ đã được cải thiện rất nhiều. Cuối mỗi năm học, tỷ lệ trẻ SDD đã giảm khoảng 15 - 20% so với đầu năm. Cô Trần Thị Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 1-6 (thị trấn Tô Hạp) cho biết, trước đây, khi chưa thực hiện chương trình này, cuối mỗi năm học, tỷ lệ HS SDD của trường vẫn còn đến hơn 10%. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chương trình “Sữa học đường”, con số trên giảm còn 2 - 3%/tổng số 370 trẻ của trường.


Để đánh giá hiệu quả của chương trình “Sữa học đường”, từng năm học, các trường đều lập bảng biểu để theo dõi quá trình tăng trưởng của trẻ. Kết quả, tỷ lệ trẻ SDD cuối mỗi năm học của bậc mầm non giảm bình quân 10 - 15% so với đầu năm, đặc biệt chiều cao của trẻ được cải thiện đáng kể. Việc được bổ sung vi chất dinh dưỡng thông qua uống sữa đều đặn còn góp phần tăng sức đề kháng, giúp HS phòng ngừa bệnh tật tốt hơn, vận động thể chất nhanh nhẹn hơn. Bà Ngô Thị Trúc Linh - Tổ trưởng Tổ chuyên môn phụ trách bậc học mầm non, Phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn cho biết: “Nhằm phát huy hiệu quả của chương trình “Sữa học đường”, ngành Giáo dục huyện chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm; tổ chức giám sát chặt chẽ khâu giao, nhận sữa, quá trình bảo quản, quy trình cho trẻ uống sữa; phải bảo đảm an toàn thực phẩm tuyệt đối trong quá trình tổ chức cho trẻ uống sữa hàng ngày. 100% hộp sữa phải được xử lý hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường”.


Năm học 2020 - 2021, chương trình “Sữa học đường” tiếp tục được thực hiện tại 9/9 trường mầm non của Khánh Sơn. Năm học này, toàn huyện có 2.190 trẻ mầm non được thụ hưởng chương trình. Trong đó, 1.630 trẻ được hỗ trợ 100%, 560 trẻ đóng 30% kinh phí. Tại thời điểm cuối tháng 9-2020, số HS SDD thể nhẹ cân là 671 trẻ (chiếm hơn 30,6%); SDD thể thấp còi 673 trẻ (chiếm 30,7%). Bà Linh kiến nghị: “Hiện nay, trẻ nhà trẻ được hỗ trợ 5 hộp sữa/tuần, trẻ mẫu giáo được hỗ trợ 3 hộp sữa/tuần. Ngành GD-ĐT huyện Khánh Sơn mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thêm cho trẻ mẫu giáo được 5 hộp sữa/tuần nhằm góp phần giảm tỷ lệ HS mầm non SDD thể nhẹ cân xuống dưới 15% và SDD thể thấp còi xuống dưới 18% vào cuối năm học”.


ĐINH LUẬN