10:12, 13/12/2020

Học sinh "Nói không với rác thải nhựa"

Thời gian gần đây, phong trào"Nói không với rác thải nhựa" không còn là khẩu hiệu mà được hiện thực hóa thành hành động trong cộng đồng nói chung và các trường học nói riêng. Nhiều trường, học sinh đã có những cách làm sáng tạo để lan tỏa lối sống xanh và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Thời gian gần đây, phong trào“Nói không với rác thải nhựa” không còn là khẩu hiệu mà được hiện thực hóa thành hành động trong cộng đồng nói chung và các trường học nói riêng. Nhiều trường, học sinh (HS) đã có những cách làm sáng tạo để lan tỏa lối sống xanh và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.


Nhằm giúp các HS hiểu, yêu và áp dụng lối sống xanh vào cuộc sống hàng ngày, thời gian qua, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền hưởng ứng phòng, chống rác thải nhựa như: Tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, tuyên truyền qua tranh ảnh tại bảng tin trường và qua mạng xã hội, triển lãm hiện vật tái chế từ rác thải nhựa... Các HS còn chung tay làm bồn hoa từ gần 2.000 chai nhựa, trang trí chậu cây nhựa, trồng thêm cây để làm “bức tường xanh” giúp cảnh quan trường học thêm xanh, đẹp. Một số HS đã đứng ra tổ chức “Hội chợ 0 đồng” để các bạn đổi vật dụng bằng nhựa lấy sách, đồ dùng, đồ lưu niệm...

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm hữu ích.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm hữu ích.


Để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, nhóm HS Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Nha Trang đã thiết kế những chiếc túi xách bằng vải bố thay thế cho ly nhựa, túi ni-lông mà các cửa hàng đồ uống thường sử dụng. Em Nguyễn Hoàng Nhân, trưởng nhóm cho biết, nhóm đã thiết kế được 200 chiếc túi xách và tiến hành thực nghiệm tại 4 quán nước. Để khuyến khích việc sử dụng túi xách thân thiện môi trường, nhóm đã cung cấp một số sản phẩm miễn phí cho cửa hàng, giảm giá sản phẩm; còn cửa hàng giảm giá nước uống cho khách mang theo túi xách trong lần mua nước tiếp theo. Ngoài ra, hàng tuần, các lớp có những hoạt động ra quân dọn dẹp vệ sinh trường lớp, phân loại rác thải. Trước đó, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của phụ huynh HS, các mạnh thường quân, toàn trường đã cải tạo 2 khu công viên dành cho HS từ rác thải nhựa, lốp xe, nguyên, vật liệu cũ..., qua đó góp phần tạo nên diện mạo mới cho sân chơi HS và cảnh quan nhà trường.


Sau khi khảo sát hơn 1.100 HS trong trường về rác thải nhựa, em Mai Trung Kiên - Trường THPT Tô Văn Ơn (huyện Vạn Ninh) cùng các bạn trong nhóm nhận thấy việc thường xuyên lạm dụng đồ nhựa đã trở thành thói quen của đa số HS trong trường. Để thay đổi nhận thức về rác thải nhựa, nhóm đã tiến hành tuyên truyền thông qua trang facebook của Đoàn trường, tờ rơi, pano, bảng tin và các buổi chào cờ, ngoại khóa. Các HS còn bố trí mô hình thùng rác phân loại trong khuôn viên trường, trang trí trường học bằng những vật liệu cũ, tổ chức đổi nhựa lấy dụng cụ học tập... Thầy Lê Văn Thắng - Bí thư Đoàn trường cho biết, năm học 2019 - 2020, cuộc thi “Ngày hội tái chế” của trường đã thu được 68 sản phẩm do chính tay các HS làm ra từ đồ dùng bằng nhựa và nguyên, vật liệu cũ. Chai nhựa được thiết kế thành thùng rác, dàn dây leo trồng hoa, thác nước, chậu hoa, chuông gió; lốp xe cũ “hô biến” thành bồn hoa mini, chậu trồng cây... Trường còn tặng 2 thùng rác tái chế từ chai nhựa cho Trường Tiểu học Vạn Khánh và UBND xã Vạn Khánh, thành lập câu lạc bộ tình nguyện xử lý rác thải nhựa.


Theo thầy Trần Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Tô Văn Ơn, thông qua các hình thức tuyên truyền, HS đã quan tâm và có thái độ, hành vi tốt hơn trước về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều thay đổi hoàn toàn thói quen, bởi đồ dùng bằng nhựa vừa tiện lợi, vừa có giá rẻ. Nhà trường sẽ thường xuyên tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền về rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung để nâng cao hơn nữa nhận thức, hành động của HS. Thầy Nguyễn Tiến Phát - Phó Bí thư Đoàn Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Nha Trang chia sẻ: “HS có nhiều ý tưởng hay, sáng tạo trong phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, nhưng để triển khai cần khá nhiều chi phí. Trường mong muốn có các nhà tài trợ quan tâm phát triển, giúp HS hiện thực hóa những dự án, ý tưởng đó”.


H.NGÂN