10:11, 26/11/2020

Thi đua nâng cao chất lượng giáo dục

Những năm qua, phong trào thi đua trong ngành Giáo dục đã từng bước đi vào chiều sâu, tập trung về cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ở các nhà trường.

Những năm qua, phong trào thi đua trong ngành Giáo dục đã từng bước đi vào chiều sâu, tập trung về cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ở các nhà trường.


Dần đi vào chiều sâu


Cô Mai Thị Thu Hằng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh từ tháng 7-2011. Trong 6 năm làm nhiệm vụ, cô tham mưu các cấp sáp nhập các điểm trường lẻ thành 4 điểm trường, đầu tư xây dựng 3 điểm trường với 10 phòng học kiên cố, phòng giáo dục thể chất, phòng nghệ thuật, 4 bếp ăn bán trú. Cô cũng huy động nguồn xã hội hóa để trang bị thêm cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, máy lọc nước ở một điểm trường, từng bước khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Đến năm 2015, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3. Từ tháng 11-2017, khi được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non 2-4, TP. Cam Ranh, cô tiếp tục lãnh đạo đưa tập thể trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được nhận cờ thi đua của Chính phủ, UBND tỉnh. Trong 34 năm công tác, cô Hằng cũng đạt nhiều thành tích như: 10 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần đạt danh hiệu giáo viên (GV) dạy giỏi cấp tỉnh, 6 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, 1 lần được Tỉnh ủy tặng bằng khen và 1 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

 

Tiết học tại Trường Tiểu học và THCS Cam Lập, TP. Cam Ranh.

Tiết học tại Trường Tiểu học và THCS Cam Lập, TP. Cam Ranh.


Cô Hằng là 1 trong số 6 nhà giáo của tỉnh được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2020 và là 1 trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua của ngành. Có thể nói, qua từng năm, phong trào đã được đổi mới và dần đi vào chiều sâu, tập trung về cơ sở, coi trọng chất lượng, hiệu quả và giảm dần xu hướng chạy theo hình thức, số lượng. Các trường đã coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu để khen thưởng kịp thời, trong đó chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, GV trực tiếp đứng lớp, nhân viên văn phòng, các tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…


Để phong trào ngày càng lan tỏa

 

5 năm qua, toàn tỉnh có 383 nhà giáo đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh; 69 nhà giáo đạt danh hiệu GV chủ nhiệm tiểu học giỏi cấp tỉnh; 1.312 lượt học sinh cấp THCS và 1.099 lượt học sinh cấp THPT đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 106 giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 3.500 lượt tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng. Tỷ lệ cá nhân không giữ chức vụ lãnh đạo, đội ngũ GV trực tiếp đứng lớp, nhân viên văn phòng được các cấp khen thưởng hàng năm chiếm hơn 95%.

Theo ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những kết quả tích cực, phong trào thi đua trong ngành Giáo dục vẫn còn hạn chế, chưa phát triển đồng đều, một số nơi tổ chức vẫn còn mang tính hình thức. Công tác xây dựng, nhân rộng và tuyên truyền các điển hình tiên tiến chưa thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít GV giỏi, thành tích tốt có tâm lý e ngại, dè dặt đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng ở cấp cao vì thủ tục, hồ sơ thi đua còn phức tạp, rườm rà, nặng về hình thức... Ngoài ra, các điều kiện dạy và học, đời sống của một bộ phận cán bộ, GV còn thiếu thốn, trình độ tay nghề của GV chưa đồng đều, chất lượng học tập của một bộ phận học sinh ở các địa bàn khó khăn và các trường ngoài công lập còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức, duy trì các phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong một số trường.


Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, để phong trào thi đua phát triển sâu rộng, hiệu quả, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và sự kết hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể với chính quyền trong công tác thi đua, khen thưởng, trọng tâm là phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong các nhà trường. Cơ quan quản lý giáo dục các cấp, nhất là cấp cơ sở phải là nơi kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để mỗi GV, nhân viên, học sinh có môi trường sư phạm thuận lợi nhất, phát huy tối đa khả năng, phẩm chất và năng lực cá nhân; tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên và học sinh. Công tác thi đua, khen thưởng phải đảm bảo hài hòa động viên tinh thần với khuyến khích vật chất mới tạo được động lực để nuôi dưỡng phong trào thi đua phát triển lâu dài.


H.NGÂN