10:07, 29/07/2020

Tiếp tục tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số

5 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025", qua đó đạt những hiệu quả tích cực.

5 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh (HS) tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, qua đó đạt những hiệu quả tích cực.


Nhiều giải pháp


Trường Mầm non Ninh Tây, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa có hơn 280 HS, trong đó hơn một nửa là con em đồng bào DTTS, chủ yếu là người Ê đê và Raglai. Việc bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò  là rào cản trong các hoạt động giáo dục. Kể từ năm học 2016 - 2017, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tập huấn phương pháp dạy tiếng Việt cho giáo viên, thiết kế môi trường cho trẻ thường xuyên tiếp xúc với tiếng Việt thông qua đồ dùng, đồ chơi, góc thư viện, hoạt động trải nghiệm thực tế... Cô Nguyễn Thị Mỹ Huyền - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhờ được tăng cường tiếng Việt nên qua các năm học, trẻ đã mạnh dạn, tự tin hơn, giao tiếp tốt hơn và đạt được hầu hết các mục tiêu giáo dục theo từng độ tuổi”.

 

Giờ tăng cường tiếng Việt của học sinh thị xã Ninh Hòa.

Giờ tăng cường tiếng Việt của học sinh thị xã Ninh Hòa.


Ở Trường Tiểu học và THCS Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn), đa số HS là người dân tộc Raglai; khi đi học, các em mới chỉ sõi tiếng mẹ đẻ. Em nào có chút vốn tiếng Việt thì chưa chuẩn xác trong phát âm, cách nói. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt được nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục. HS thường xuyên được rèn kỹ năng đọc, viết hàng ngày, hàng tuần, tham gia các hoạt động học nhóm, phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, các tiết đọc thư viện, hoạt động ngoại khóa… Nhờ đó, tỷ lệ HS được tăng cường tiếng Việt ra lớp đúng độ tuổi đạt 100%; các em từng bước tự tin, hòa nhập với tập thể.


Tại huyện Khánh Vĩnh, có 17 trường mầm non với hơn 68% trẻ là người DTTS và 16 trường tiểu học với hơn 81% HS người DTTS. Bên cạnh các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho HS, từ năm 2016 đến nay, đã có 344 cán bộ, giáo viên người Kinh được bồi dưỡng tiếng Raglai để nâng cao kỹ năng, phương pháp giảng dạy.


Tiếp tục quan tâm

 

Toàn tỉnh có 49 trường mầm non, 1 nhóm trẻ ngoài công lập và 150 trường tiểu học có HS người DTTS. Tỷ lệ huy động trẻ DTTS ra lớp ở mầm non đạt 63,1%, tiểu học đạt 92,4%. Năm học 2019 - 2020, có hơn 4.800 trẻ mầm non DTTS được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường, 100% được tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. Gần 7.000 HS tiểu học người DTTS được học 2 buổi/ngày, trong đó gần 5.400 HS được ăn bán trú. Tỷ lệ trẻ DTTS tham gia các lớp tập nói tiếng Việt trong hè trước khi vào lớp 1 đạt hơn 97%. 5 năm qua, tổng kinh phí hỗ trợ công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS khoảng 3,4 tỷ đồng.

Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đề án đã tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, HS tiểu học người DTTS thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, xây thêm phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học; tổ chức cho trẻ học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường; tổ chức tăng cường tiếng Việt trong hè cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên... Qua 5 năm thực hiện đề án, các cấp ủy, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể và cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ trẻ đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS. Các trường coi đây là một trong những giải pháp để duy trì kết quả phổ cập giáo dục tại các địa phương. Nhờ có môi trường giao tiếp nên vốn tiếng Việt của HS thêm phong phú.


Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tăng cường tiếng Việt cho HS người DTTS vẫn còn khó khăn. Phần lớn HS nhút nhát, ngại giao tiếp; trẻ ở nhà quen nói tiếng mẹ đẻ nên việc phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt còn hạn chế. Việc huy động trẻ ra lớp tăng cường tiếng Việt trong hè chưa đạt yêu cầu do không có chế độ hỗ trợ ăn trưa, đời sống nhiều gia đình khó khăn nên các em phải theo cha mẹ lên rẫy. Giáo viên đa số là người Kinh nên gặp khó khăn khi giao tiếp với trẻ và trao đổi với cha mẹ HS...


Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh, sở đã đề nghị các phòng GD-ĐT xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện giai đoạn 2 của đề án (2021 - 2025) đạt hiệu quả, phù hợp với địa phương. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gia đình người DTTS tạo điều kiện cho trẻ đến trường và học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, các trường cần tăng cường trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng môi trường tiếng Việt trong và ngoài lớp học; nâng cao chất lượng dạy tập nói tiếng Việt trong hè cho trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1; tổ chức hiệu quả hoạt động giao lưu tiếng Việt. Các phòng GD-ĐT cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho các trường...


H.NGÂN