10:06, 03/06/2020

Trường Đại học Nha Trang: Công bố phương án tuyển sinh năm 2020

Trường Đại học Nha Trang vừa có thông báo tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020. Điểm mới năm nay là trường có thêm 1 ngành mới, 1 chương trình chất lượng cao, đa dạng các đối tượng xét tuyển thẳng và thực hiện chương trình đào tạo chuyển tiếp theo 2 giai đoạn đối với 6 ngành.

Trường Đại học Nha Trang (ĐHNT) vừa có thông báo tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020. Điểm mới năm nay là trường có thêm 1 ngành mới, 1 chương trình chất lượng cao, đa dạng các đối tượng xét tuyển thẳng và thực hiện chương trình đào tạo chuyển tiếp theo 2 giai đoạn đối với 6 ngành.


4 phương thức tuyển sinh


Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Trường ĐHNT cho biết, năm 2020, trường áp dụng 4 phương thức tuyển sinh, thí sinh (TS) có thể sử dụng 1 hoặc đồng thời các phương thức xét tuyển. Một là xét tuyển dựa vào điểm thi THPT năm 2020 (thang điểm 30), chiếm tối đa 40% tổng chỉ tiêu để xét tuyển tất cả các ngành. Đối với phương thức này, mỗi ngành chỉ có một điểm chuẩn trúng tuyển được áp dụng cho tất cả tổ hợp môn xét tuyển của ngành đó. TS lựa chọn và chỉ đăng ký một tổ hợp môn có kết quả thi tốt nhất. Phương thức thứ 2 là xét tuyển dựa vào điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2020 (thang điểm 10), chiếm tối thiểu 30% tổng chỉ tiêu. Phương thức 3 là xét tuyển dựa vào điểm thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm 2020, thang điểm 1.200, chiếm tối đa 25% tổng chỉ tiêu. Phương thức 2 và 3 không tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng khi xét tuyển. Phương thức thứ 4 là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo hình thức riêng của trường và theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thang điểm 10, chiếm tối đa 5% tổng chỉ tiêu để xét tuyển tất cả các ngành đào tạo. Có tổng cộng 11 tổ hợp xét tuyển, trong đó có một số ngành xét điểm sàn tiếng Anh.

 

Một góc Trường Đại học Nha Trang.

Một góc Trường Đại học Nha Trang.


Ngoài ra, năm 2020 là năm đầu tiên Trường ĐHNT phối hợp với Trường Đại học Kiên Giang tổ chức tuyển sinh và đào tạo các chương trình chuyển tiếp theo 2 giai đoạn (giai đoạn 1 học tại Trường Đại học Kiên Giang, giai đoạn 2 học tại Trường ĐHNT) đối với 6 ngành gồm: quản lý thủy sản, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, khoa học hàng hải, kỹ thuật tàu thủy, kỹ thuật nhiệt, kỹ thuật ô tô. Chỉ tiêu mỗi ngành là 50 sinh viên. Phương thức xét tuyển gồm: xét bằng điểm học bạ cả năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 theo tổ hợp xét tuyển; xét tuyển bằng điểm thi THPT năm 2020 theo tổ hợp xét tuyển.


Đa dạng đối tượng xét tuyển thẳng


Tiến sĩ Tô Văn Phương cho biết, phương thức tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của trường áp dụng đối với tất cả các ngành, dành cho nhiều đối tượng học sinh. Trong đó, có học sinh của 82 trường THPT chuyên, năng khiếu các trường đại học, tỉnh, thành trên toàn quốc; học sinh của 50 trường THPT thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình kết quả THPT quốc gia cao nhất cả nước trong 3 năm 2017, 2018, 2019. Điều kiện đăng ký xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển là: tốt nghiệp THPT; đạt danh hiệu học sinh giỏi trong năm lớp 10, 11 và 12 hoặc là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh, thành tham dự kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, hoặc đạt giải nhất, nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh; có hạnh kiểm tốt trong năm lớp 10, 11 và 12.


Bên cạnh đó, trường cũng xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển ngành công nghệ sinh học và ngành kỹ thuật môi trường đối với TS tham gia Cuộc thi Môi trường xanh Khánh Hòa năm 2020 do Trường ĐHNT phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Trong đó, xét tuyển thẳng đối với TS có 1 trong các tiêu chuẩn: Đạt giải nhất, nhì hoặc ba của cuộc thi, có giấy chứng nhận do nhà trường cấp; tốt nghiệp THPT từ loại giỏi trở lên, có giấy chứng nhận tham dự cuộc thi do trường cấp. Đối với việc ưu tiên xét tuyển, trường áp dụng cộng từ 1 đến 3 điểm đối với TS vượt qua vòng loại, vòng bán kết hoặc chung kết của cuộc thi. Ngoài ra, năm nay, TS có chứng chỉ IELTS quốc tế từ 5.5 điểm, hoặc TOEIC quốc tế 550 điểm, hoặc TOEFL (iBT) 65 điểm trở lên (còn hiệu lực) và tốt nghiệp THPT từ loại khá trở lên cũng sẽ được tuyển thẳng.


Các chính sách ưu tiên cho sinh viên

 

Năm 2020, Trường ĐHNT tuyển sinh 36 ngành đào tạo đại học với tổng cộng 3.500 chỉ tiêu, tăng 1 ngành (kỹ thuật cơ khí động lực) so với năm trước. Cũng từ năm nay, trường chính thức ngừng tuyển sinh hệ cao đẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh việc cộng điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực theo quy chế tuyển sinh, Trường ĐHNT thực hiện các chính sách ưu tiên cho TS nhập học. Trong đó, miễn phí 100% ký túc xá cho TS vào học 5 ngành đào tạo: công nghệ chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, quản lý thủy sản, khoa học hàng hải. Đầu mỗi học kỳ, nhà trường sẽ xem xét miễn giảm học phí khi sinh viên đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định. Bên cạnh đó, còn có chính sách học bổng cho thủ khoa đầu vào và học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, các khoa, viện cũng có nguồn kinh phí tài trợ học bổng cho sinh viên từ các doanh nghiệp, cựu sinh viên, các tổ chức trong và ngoài nước.


Được biết, đối với chương trình đại trà, học phí của Trường ĐHNT dao động từ 4 đến 5 triệu đồng trong một học kỳ, tùy theo số tín chỉ sinh viên đăng ký học. Các chương trình song ngữ Anh - Việt và định hướng nghề nghiệp (POHE), còn gọi là chương trình tiên tiến chất lượng cao có học phí khoảng 10 triệu đồng/học kỳ. Năm nay, chương trình tiên tiến chất lượng cao có thêm ngành mới là Kế toán, nâng tổng số ngành của chương trình này lên 4 ngành.


H.NGÂN