10:06, 01/06/2020

Phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp bạo lực, xâm hại trẻ em

Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch hành động phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. 

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch hành động phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong ngành GD-ĐT tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: 

 


- Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em xảy ra, điều trước tiên là phải chủ động phòng ngừa, lường trước nguy cơ để ngăn chặn ngay từ đầu. Muốn vậy, trước hết các trường phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Tùy đặc thù, điều kiện từng trường mà có hình thức tuyên truyền phù hợp như: Thông qua tài liệu, tờ rơi, qua mạng, các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng chiến dịch truyền thông; quảng bá tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) trong các đơn vị, trường học... Việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh (HS) cũng rất quan trọng để các em biết nhận diện nguy cơ, bảo vệ mình và bạn bè. Ngoài ra, cần tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào các hoạt động giáo dục; thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực.


Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong việc quản lý, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS. Đồng thời, rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên phù hợp với chuyên môn, năng lực cá nhân, đảm bảo trong các đơn vị, trường học không có cán bộ, giáo viên và nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm quy chế chuyên môn nghiệp vụ. Mặt khác, thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học, quản lý tốt người ra vào nhà trường…


- Vì nhiều lý do, không ít phụ huynh, HS thường né tránh khi đề cập đến vấn đề bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Làm thế nào để nhận biết và giải quyết tình trạng này, thưa ông?


- Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức các kênh thu thập thông tin liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại trẻ em tại trường như: Hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát... Trong đó, lưu ý phải đảm bảo bí mật cho người cung cấp thông tin. Từ đó, có biện pháp hỗ trợ HS, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực học đường, xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, phát hiện kịp thời HS, trẻ em có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, xâm hại tình dục hoặc HS, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực học đường, xâm hại tình dục; đánh giá mức độ, nguy cơ có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể. Ngoài ra, nhà trường cần thực hiện tốt việc tham vấn, tư vấn cho HS, trẻ em nhằm ngăn chặn loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực, xâm hại.


- Trong trường hợp xảy ra bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em, các trường cần có biện pháp can thiệp thế nào, thưa ông?


- Nếu có hiện tượng đó xảy ra, trước hết, nhà trường cần đánh giá sơ bộ về mức độ bị tổn hại và đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của HS, trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Đồng thời, thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý đối với HS, trẻ em, thông báo kịp thời với phụ huynh HS để phối hợp xử lý. Trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của nhà trường thì phải thông báo kịp thời đến cơ quan công an, UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.


- Xin cảm ơn ông!


K.D (Thực hiện)