11:04, 09/04/2020

Dạy và học trực tuyến ở Trường Đại học Khánh Hòa: Những tín hiệu khả quan

Sau gần 2 tuần triển khai dạy trực tuyến, Trường Đại học Khánh Hòa đã ghi nhận những tín hiệu khả quan, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây cũng là bước đệm để nhà trường tiếp tục khai thác công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Sau gần 2 tuần triển khai dạy trực tuyến, Trường Đại học Khánh Hòa đã ghi nhận những tín hiệu khả quan, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây cũng là bước đệm để nhà trường tiếp tục khai thác công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.


Giáo viên, sinh viên tích cực tham gia


Trường Đại học Khánh Hòa triển khai dạy học trực tuyến bắt buộc kể từ ngày 30-3 trên nền tảng Microsoft Teams trong bộ Microsoft Office 365. Nền tảng có tính tương tác cao, cho phép giảng viên (GV) gửi tài liệu học tập (tập tin trình chiếu hoặc văn bản, video) cho sinh viên (SV) chuẩn bị trước; điểm danh quản lý lớp theo thời khóa biểu đã xây dựng; giảng bài trực tuyến; sử dụng kênh chat để SV thảo luận; sử dụng camera để đối thoại trực tiếp giữa GV và SV; chia nhóm để SV làm việc nhóm; ra bài tập và kiểm tra việc tự học của SV…

 

Lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo và khảo thí theo dõi việc dạy và học trực tuyến.

Lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo và khảo thí theo dõi việc dạy và học trực tuyến.


Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết, từ tháng 10-2016, trường hợp tác với Microsoft Việt Nam về lĩnh vực giáo dục đào tạo và phát triển công nghệ, các cán bộ, GV đã được chuyên gia tập huấn phần mềm Microsoft Office 365. Vì vậy, tất cả GV, SV đã có tài khoản, thuận tiện khi chuyển dịch sang dạy trực tuyến. Trường cũng đầu tư đường truyền riêng phục vụ việc học trực tuyến tại các địa điểm trong khuôn viên trường. Trước khi tổ chức giảng dạy, trường triển khai tập huấn, hướng dẫn GV quy trình tổ chức hoạt động dạy học và thực hiện các bước tạo tên lớp, thêm SV vào lớp học, thêm tài khoản của Phòng Thanh tra, Phòng Quản lý đào tạo và khảo thí vào lớp để theo dõi, quản lý và xác nhận giờ lao động. Hầu hết học phần khoa học cơ bản và học phần lý thuyết theo kế hoạch đào tạo của học kỳ II đều tổ chức dạy trực tuyến (chiếm hơn 90% số học phần), trừ một số học phần đặc thù liên quan đến thực hành, thực tập. Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Trung tâm Công nghệ thông tin và Mỹ thuật ứng dụng của trường cũng tham gia.


Hoạt động dạy và học trực tuyến của trường bước đầu đã ghi nhận những tín hiệu khả quan. Cô Đoàn Huỳnh Cẩm Duyên - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ thông tin và Mỹ thuật ứng dụng cho biết: “Hầu hết SV không phải chuyên ngành Tin học nhưng rất nhiệt tình và nắm bắt kỹ thuật học trực tuyến rất nhanh. Ngay buổi học đầu tiên, lớp có 40 em thì đã có 37 em tham gia, các em rất tích cực tương tác với GV để trao đổi bài học”. Em Nguyễn Bảo Trâm, lớp Sư phạm Ngữ văn K1 chia sẻ: “Em là SV năm cuối nên nếu kéo dài thời gian nghỉ học sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc hoàn thành chương trình học và chuẩn bị tốt nghiệp. Khi có lịch học trực tuyến, chúng em thấy yên tâm hơn. Nhiều bạn trong lớp tham gia rất hào hứng, tích cực làm bài tập nhóm, phản biện sôi nổi…”.


Xây dựng văn hóa học trực tuyến


Theo Tiến sĩ Trần Viết Thiện - Trưởng phòng Quản lý đào tạo và khảo thí Trường Đại học Khánh Hòa, sau một thời gian triển khai, có thể thấy ý thức tham gia học trực tuyến của SV rất tốt, đa số các học phần SV tham gia học trực tuyến gần 100%. GV cũng chủ động, tích cực và sáng tạo trong cách dạy. Đặc biệt, một số GV dạy học phần liên quan nhiều đến tính toán còn tự trang bị thêm camera để quay lại nội dung bài giảng. Trong quá trình dạy và học cũng có khó khăn như: hạn chế về thao tác kỹ thuật nên chưa thể giống như lớp học truyền thống; một số GV còn bỡ ngỡ; đường truyền Internet của một số SV không đảm bảo, ảnh hưởng đến tín hiệu hình ảnh, âm thanh của giờ học. Tổ tư vấn hỗ trợ dạy học trực tuyến của trường luôn túc trực để kịp thời hỗ trợ cho cán bộ, GV, SV. Khi SV đến trường trở lại, GV sẽ củng cố cho SV những kiến thức trong thời gian học trực tuyến.


Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Bình cho rằng, việc dạy và học trực tuyến đã thay đổi hoàn toàn thói quen của GV, SV. Có những thầy cô vốn quen với phấn trắng bảng đen, chưa sẵn sàng cho việc dạy trực tuyến thì nay phải mày mò, tìm hiểu. Nhờ sự quyết tâm và đồng thuận của toàn cán bộ, GV, SV nên chỉ sau một thời gian ngắn đã tiếp cận được. Mong muốn của nhà trường là lớp học trực tuyến phải thực sự sinh động, lôi cuốn và bền vững. Muốn vậy, GV phải nỗ lực khai thác nền tảng công nghệ mới để bài giảng lôi cuốn hơn. Nhà trường cũng hướng đến xây dựng văn hóa học online chứ không phải là dạy và học mang tính đối phó. Bên cạnh đó, đây là bước khởi đầu cho việc chuyển dịch trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước đệm để nhà trường tiếp tục khai thác công nghệ thông tin, nâng cao khả năng tự học của SV nói riêng, nâng cao chất lượng đào tạo nói chung. Chẳng hạn, SV có thể vào phần mềm lấy thông tin, tương tác với GV, GV hỗ trợ SV ngoài tiết dạy của mình… Thời gian tới, mỗi tuần, trường sẽ tổ chức 1 diễn đàn để tất cả GV cùng chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến, hướng đến xây dựng lớp học trực tuyến thực sự giống như một lớp học bình thường. Về lâu dài, trường sẽ tiếp tục nâng cấp đường truyền, khai thác nhiều hơn những tiện ích của Microsoft Office 365 phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy.


H.NGÂN