10:02, 29/02/2020

Các trường THPT chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh đi học lại

Đây là một trong những yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa tại thông báo về việc đi học trở lại đối với học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên từ ngày 2-3 sau thời gian tạm nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19. 

Đây là một trong những yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa tại thông báo về việc đi học trở lại đối với học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên từ ngày 2-3 sau thời gian tạm nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19. 
 
Cụ thể, thực hiện Công văn số 1772 ngày 28-2 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp THPT tổ chức hoạt động dạy và học trở lại vào ngày 2-3 (thứ Hai).
 
Các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THCS; các trung tâm giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá tiếp tục cho học sinh nghỉ học từ ngày 2-3 cho đến hết ngày 15-3 để phòng, tránh dịch Covid-19.
 
Các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học cho học viên cấp THCS trở xuống nghỉ học từ ngày 2-3 đến hết ngày 15-3. 
 
Đối với các trường nhiều cấp học (iSchool Nha Trang, Hermann Gmeiner, Liên cấp Việt Nam-Singapore), không tổ chức hoạt động dạy học đối với học sinh cấp học từ mầm non đến THCS từ ngày 2-3 cho đến hết ngày 15-3. 
 
Đối với cấp tiểu học, Sở GD-ĐT yêu cầu hiệu trưởng các trường có phương án duy trì liên lạc thường xuyên giữa nhà trường và gia đình; giữa giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm (GVCN) với học sinh; chỉ đạo tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn biên soạn nội dung ôn tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng (tuyệt đối không biên soạn nội dung trên chuẩn) và bằng nhiều hình thức như: hệ thống câu hỏi, bài tập, bài kiểm tra... Nội dung ôn tập phải được tổ khối chuyên môn trao đổi, thống nhất chung theo đơn vị trường; hiệu trưởng tổ chức kiểm duyệt các nội dung trên do tổ chuyên môn đề xuất. Sau khi được kiểm duyệt, tùy theo tình hình và điều kiện thực tế của nhà trường với nguồn kinh phí chi thường xuyên hay các nguồn thu hợp pháp khác, nhà trường tiến hành photo hoặc gửi nội dung ôn tập qua email cho GVCN các khối lớp.
 
Các trường tiểu học cũng cần chỉ đạo giáo viên tiến hành chuyển giao nội dung ôn tập cho học sinh thông qua các hình thức photo gửi trực tiếp hoặc gửi qua e-mail đến cho phụ huynh học sinh; giao nhiệm vụ học tập và tổ chức trao đổi, hướng dẫn học sinh tự học; sửa chữa kết quả tự học của học sinh; tiếp tục liên hệ chặt chẽ với học sinh và phụ huynh học sinh trong việc quản lý, hướng dẫn học sinh tự ôn bài ở nhà, tuyệt đối không tổ chức dạy thêm; khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đơn vị (trường học kết nối, SMAS, facebook, zalo...) để hướng dẫn học sinh ôn tập bài từ xa qua mạng Internet hoặc tổ chức trực tuyến E-Learning (nếu có điều kiện).
 
GVCN phối hợp với phụ huynh hướng dẫn học sinh thực hiện bài làm từng ngày, tham khảo ý kiến nhận xét của phụ huynh về tiến độ, kết quả thực hiện nội dung ôn tập của học sinh. Đồng thời, yêu cầu phụ huynh tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian nghỉ học; nắm bắt thông tin sức khỏe của học sinh và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại gia đình và cộng đồng. 
 
Các trường cũng cần tiếp tục vệ sinh môi trường khuôn viên trường học, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, phòng học, phòng ăn, dụng cụ phục vụ bán trú... chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ học.
 
Đối với cấp THCS, Sở GD-ĐT yêu cầu hiệu trưởng các đơn vị giao nhiệm vụ cho tổ chuyên môn soạn thảo bài tập, đề cương ôn kiến thức học kỳ 1 và đăng lên hệ thống phần mềm E-Learning để học sinh truy cập (phần mềm có chức năng tương tác). Riêng đối với lớp 9, các bộ môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, giáo viên tập trung ôn tập và hệ thống kiến thức toàn cấp (trọng tâm là lớp 9) để chuẩn bị cho học sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021.
 

 

Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học, Trường THPT Trần Bình Trọng (huyện Cam Lâm) đã tổ chức khử trùng trường lớp.
Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học, Trường THPT Trần Bình Trọng (huyện Cam Lâm) đã tổ chức khử trùng trường lớp.
 
Đối với cấp THPT, hiệu trưởng hoặc giám đốc các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ sở y tế tiếp tục triển khai việc tiêu độc, khử trùng, khử khuẩn, thường xuyên làm sạch bề mặt hàng ngày bằng các chất sát khuẩn thông thường tại các trường học, lớp học, đảm bảo an toàn tuyệt đối, sẵn sàng các công việc liên quan trước khi học sinh đi học lại.
 
Hiệu trưởng, giám đốc các đơn vị cần tăng cường công tác ôn tập cho học sinh bằng các hình thức sau: Tổ chức soạn bài giảng, tài liệu, đề cương, hướng dẫn học sinh ôn tập, củng cố kiến thức theo ứng dụng giải pháp E-Learning do VNPT Khánh Hoà và Viettel Khánh Hoà cung cấp. Riêng đối với khối 12, giáo viên tăng cường việc soạn giảng, hệ thống kiến thức ôn tập cho học sinh để chuẩn bị cho học sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2020.
 
Đối với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và Trường THPT Lạc Long Quân, vẫn tổ chức ăn bán trú bình thường nhưng phải đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường THPT tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm và không tổ chức căng tin trong nhà trường. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn tại Công văn số 550 ngày 25-2 của Bộ GD-ĐT về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học.
 
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân vi phạm việc tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm trong thời gian học sinh, học viên nghỉ học để phòng chống dịch; khuyến khích sự tham gia giám sát của nhân dân.
 
H.NGÂN