11:12, 25/12/2019

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thiện Thuật: Nâng cao chất lượng dạy và học

Là trường Trung học phổ thông có đầu vào học sinh thuộc hàng thấp trong tỉnh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thiện Thuật (thành phố Nha Trang) đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hàng năm, trường duy trì tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông cao, dẫn đầu các trường Trung học phổ thông ngoài công lập của tỉnh.

Là trường THPT có đầu vào học sinh (HS) thuộc hàng thấp trong tỉnh, Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang) đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hàng năm, trường duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, dẫn đầu các trường THPT ngoài công lập của tỉnh.


Chú trọng phương pháp giảng dạy


Năm 2019, quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp (gồm 70% điểm trung bình các bài kỳ thi THPT quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12) đòi hỏi các trường phải nỗ lực hơn nhiều để việc dạy và học đi vào thực chất. Trong bối cảnh đó, Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật vẫn duy trì tỷ lệ tốt nghiệp cao là 97,56%, cao hơn tỷ lệ chung toàn tỉnh là 92,9% (trong đó công lập 94,7%; ngoài công lập 89,8%; hệ giáo dục thường xuyên 77,4%).

 

Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật.

Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật.


Cô Nguyễn Thị Thanh Vân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đa số HS của trường có sức học trung bình và yếu, nhiều em chưa chăm học, tiếp thu kiến thức chậm, khả năng tự học hạn chế. Vì vậy, phương pháp giảng dạy rất quan trọng để các em có thể hiểu bài, tiếp thu được kiến thức. Ở mỗi bài học, các giáo viên phải rất vất vả và linh hoạt trong việc hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết cho từng HS; đồng thời dành nhiều thời gian để ôn bài và kiểm tra thường xuyên, liên tục để các em luyện tập. Ngoài việc phân lớp theo năng lực HS, nhà trường cũng phân công giáo viên vững về chuyên môn để dạy khối 10. Bên cạnh đó, xây dựng các chuyên đề, tiết dạy tốt, thường xuyên dự giờ để nắm bắt phương pháp dạy của giáo viên để kịp thời điều chỉnh.


Trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường chú trọng tới việc tạo hứng thú học tập cho HS. Những năm qua, các giáo viên Ngữ văn đã áp dụng hình thức sân khấu hóa trong giảng dạy, rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học, kỹ năng trình bày và viết một bài văn ngay từ lớp 10. Đối với các môn Khoa học tự nhiên, thường xuyên tổ chức theo nhóm, thực hành. Trường cũng xây dựng kế hoạch hoạt động ngoại khóa theo chủ điểm từng tháng, tổ chức nhiều đợt trải nghiệm cho HS tại các địa điểm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tổ chức các hoạt động theo đặc thù bộ môn như: Sắc màu Toán học, Hội thi Khoa học - kỹ thuật chủ đề “Chế tạo tên lửa, chinh phục không gian”, thi báo tường và thuyết trình “Biển đảo Việt Nam qua văn học”, thi tìm hiểu di sản văn hóa, “Sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa”...  


Tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh

 

Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi hoạt động từ loại hình dân lập sang tư thục kể từ ngày 1-8-2017. Trường hiện có hơn 900 HS, 46 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 36 giáo viên (20 giáo viên có trình độ trên đại học, 14 giáo viên thỉnh giảng). Năm học 2018 - 2019, tỷ lệ HS đạt hạnh kiểm tốt 58,8%, khá 35,7%; xếp loại học lực giỏi 3,5%, khá 38,2%. Tỷ lệ HS nghỉ học chiếm 2,4%, thấp nhất từ trước đến nay. Nhiều năm trường được UBND tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo...

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Vân, trường có đội ngũ giáo viên tương đối ổn định, nhiệt tình, có trách nhiệm. Cha mẹ HS cũng phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc theo dõi nề nếp và kết quả học tập của HS, uốn nắn và động viên kịp thời. Ban đại diện cha mẹ HS đã giúp đỡ tận tình, theo sát các hoạt động và phong trào của trường, lớp như: hỗ trợ cho HS có hoàn cảnh khó khăn, giảm học phí cho HS giỏi, cấp học phí cho HS giỏi đỗ vào các trường đại học chính quy trong 3 năm đầu... Năm học 2018 - 2019, trường đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ HS phát động “Quỹ ủng hộ HS nghèo hiếu học”, thu được hơn 109 triệu đồng. Từ đó, giúp đỡ HS nghèo vượt khó với tổng số tiền 28,8 triệu đồng, giảm học phí cho HS giỏi với tổng số tiền 70 triệu đồng...


Công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông cũng được nhà trường quan tâm. Ngoài việc tổ chức tư vấn cho HS, tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh do các trường: Đại học Khánh Hòa, Đại học Nha Trang, Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang tổ chức, nhà trường còn tạo điều kiện để 12 trường đại học, cao đẳng đến làm công tác tư vấn tuyển sinh tại trường.


Thời gian tới, nhà trường phấn đấu triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua nhằm khích lệ, động viên giáo viên, HS có ý tưởng sáng tạo trong dạy và học. Đồng thời, ứng dụng có kết quả công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin phản hồi để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Trường cũng sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác chủ nhiệm và chuyên môn của giáo viên thông qua góp ý của HS; triển khai nhiều hình thức hoạt động trải nghiệm đối với HS; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong HS và giáo viên...


T. VIỆT