10:03, 26/03/2023

Lan tỏa yêu thương

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm xây dựng và phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của đời sống. Qua đó, góp phần lan tỏa yêu thương, tạo dựng hệ thống an sinh xã hội của địa phương ngày càng tốt hơn.

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm xây dựng và phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của đời sống. Qua đó, góp phần lan tỏa yêu thương, tạo dựng hệ thống an sinh xã hội của địa phương ngày càng tốt hơn.

Sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn

Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi theo đoàn công tác của Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - CTXH tỉnh và Tổ chức Phục vụ trẻ em quốc tế (Holt International Children’s Services) đến thăm gia đình chị Phạm Thị Hương (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh). Gia đình chị Hương có hoàn cảnh rất éo le, trong số 3 con thì có 2 con bị bại não bẩm sinh. Trước đây, hàng ngày, chị Hương phải ở nhà chăm các con, không thể đi làm. Tất cả chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình đều trông nhờ vào việc thu mua phế liệu của chồng. Nghiệt ngã thay, cuối năm 2022, trên đường đi thăm người quen, chồng chị Hương bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong. Bao vất vả, khó nhọc, lo toan của gia đình đè nặng lên đôi vai chị Hương. Để lo ăn từng ngày, chị Hương đành để các con ở nhà nhờ bà nội đã gần 70 tuổi trông nom, đi mua phế liệu hoặc ai thuê gì làm đó. Do không có vốn nên việc thu mua phế liệu của chị Hương không được nhiều, thu nhập mỗi ngày chỉ được 100.000 đồng. Đây là khoản tiền sinh hoạt của 4 mẹ con chị và bà nội của các cháu mỗi ngày.

 

Đại diện Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - Công tác xã hội tỉnh  trao hỗ trợ sinh kế cho mẹ con chị Phạm Thị Hương.

Đại diện Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - Công tác xã hội tỉnh trao hỗ trợ sinh kế cho mẹ con chị Phạm Thị Hương.


Sau khi tiếp cận tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình chị Hương, Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - CTXH tỉnh đã làm thủ tục kết nối với Tổ chức Phục vụ trẻ em quốc tế hỗ trợ sinh kế cho em Lê Hoàng Quân (con chị Hương) 5 triệu đồng để tạo vốn cho mẹ mua bán phế liệu. Cầm trên tay số tiền hỗ trợ sinh kế, chị Hương nghẹn ngào: “Không có vốn nên mỗi lần đi mua phế liệu mà gặp những mối hàng nhiều, tôi không thể mua được. Từ nay, với khoản hỗ trợ này, tôi sẽ mua được nhiều phế liệu hơn, giúp tăng thu nhập để có tiền chăm lo cho các con”.


Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan (xã Suối Hiệp) có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi chồng mất do tai nạn giao thông vào năm 2021, chị phải gồng gánh nuôi 2 con nhỏ và phụng dưỡng bố mẹ già yếu không có trợ cấp. Chị Loan hiện là công nhân, có lương mỗi tháng 5 triệu đồng. Với khoản tiền ấy, tiết kiệm lắm mới đủ lo ăn học cho 2 đứa con và chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Do vậy, mỗi lần đau ốm, chị Loan lại càng thêm lo lắng vì nghỉ làm ngày nào là không có tiền lương ngày đó. Để giúp đỡ gia đình chị Loan có điều kiện nuôi các con ăn học, Tổ chức Phục vụ trẻ em quốc tế đã hỗ trợ sinh kế cho em Nguyễn Phúc Lâm (con chị Loan) 5,3 triệu đồng làm vốn. Qua đó, chị Loan đầu tư chăn nuôi gà thả vườn. Chị Loan chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng nuôi đàn gà phát triển tốt để có thêm thu nhập lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn”…


Góp phần đảm bảo an sinh xã hội


Theo bà Trần Thị Ngọc Thùy - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - CTXH tỉnh, những năm qua, trung tâm đã kịp thời kết nối, giúp đỡ cho nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Từ nguồn tài trợ của Tổ chức Phục vụ trẻ em quốc tế, trung tâm đã triển khai 4 dự án dành cho trẻ em và bà mẹ đơn thân, gồm: Hỗ trợ gửi trẻ mầm non; hỗ trợ học bổng; hỗ trợ bà mẹ đơn thân; hỗ trợ sinh kế. Tính từ năm 2015 đến nay, trung tâm đã kết nối hỗ trợ cho 1.355 trường hợp, với tổng số tiền mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ này đã giúp cho nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn có vốn làm ăn, chăm lo tốt hơn cho cuộc sống, hạn chế nguy cơ bỏ học ở trẻ em; giúp cho các bà mẹ đơn thân vượt qua khó khăn, sinh con và vươn lên trong cuộc sống.


Bên cạnh đó, Cục Bảo trợ xã hội đã hỗ trợ Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - CTXH tỉnh thực hiện mô hình trợ giúp bệnh nhân lao, lao kháng thuốc tại cộng đồng. Qua đó, từ năm 2018 đến nay, mô hình đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ về dinh dưỡng, tư vấn điều trị bệnh, cấp thẻ bảo hiểm y tế, sinh kế… cho hơn 200 bệnh nhân lao, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mỗi năm, trung tâm còn thực hiện tư vấn trực tiếp và tư vấn qua điện thoại cho hơn 300 trường hợp về các chính sách trợ giúp xã hội, nghiệp vụ CTXH, sinh kế, hôn nhân gia đình, việc làm... Đặc biệt, với đội ngũ cán bộ CTXH chuyên nghiệp, trung tâm đã kịp thời tiếp cận, tư vấn, can thiệp hỗ trợ cho nhiều trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp, như: Bạo lực gia đình, kết nối hỗ trợ xét nghiệm ADN tìm thân nhân, chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi, hỗ trợ mổ tim cho trẻ em…

 

Ông NGUYỄN THÀNH SƠN - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Được sự quan tâm của UBND tỉnh, đến nay, mỗi xã, phường, thị trấn đều có ít nhất 1 cán bộ và 1 cộng tác viên làm CTXH; ở hầu hết các cơ sở bảo trợ xã hội công lập đều có nhân viên CTXH chuyên nghiệp; một số bệnh viện đã thành lập phòng CTXH. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân về nghề CTXH được quan tâm thực hiện thường xuyên. Hàng năm, sở tổ chức nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ đội ngũ CTXH nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề. Sở đã xây dựng 4 mô hình CTXH tại các địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ, tư vấn, cung cấp các dịch vụ cho người dân khi cần thiết. Có thể nói, sự hình thành và phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ có hiệu quả các hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống…


VĂN GIANG