11:03, 08/03/2022

Chủ động phòng chống cháy rừng

Bước vào tháng 3 đầu mùa khô, các đơn vị chủ rừng trong tỉnh Khánh Hòa đã tích cực triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị, người dân cũng cần chú trọng triển khai nhằm bảo vệ các diện tích rừng trước nguy cơ cháy. 
 

Bước vào tháng 3 đầu mùa khô, các đơn vị chủ rừng trong tỉnh Khánh Hòa đã tích cực triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị, người dân cũng cần chú trọng triển khai nhằm bảo vệ các diện tích rừng trước nguy cơ cháy. 
 
Nhiều diện tích có nguy cơ cháy cao
 
Hiện nay thời tiết tại các địa phương trong lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đang chuyển dần vào mùa khô. Qua rà soát, đơn vị xác định có 4 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, với khoảng 2.000ha rừng trồng keo, rừng thông ở 3 địa phương Khánh Sơn, Cam Lâm, Cam Ranh; phần lớn diện tích này nằm tiếp giáp với nương rẫy của người dân, gần đường giao thông. Do đó, để chủ động PCCCR, bên cạnh việc hoàn thiện phương án, kiện toàn lực lượng, chuẩn bị trang thiết bị, đơn vị còn hợp đồng thêm lao động canh coi lửa rừng, đến từng hộ dân có nương rẫy giáp rừng để tuyên truyền, vận động các hộ ký cam kết PCCCR… “Chúng tôi lo nhất là những diện tích rừng trồng giáp với nương rẫy của người dân. Vào cao điểm mùa khô cũng là lúc các hộ đốt dọn nương rẫy, vì vậy ngay từ sau Tết, chúng tôi đã đi đến từng hộ để vận động ký cam kết PCCCR. Các hộ sau khi được tuyên truyền đều thống nhất trước khi đốt dọn nương rẫy sẽ báo cho trạm, UBND xã để hỗ trợ, theo dõi, không sót lửa trong mùa hanh khô, không chặt cây đốt than…”, ông Phan Hải Ninh - Trạm Trưởng Trạm Bảo vệ rừng Sơn Tân (Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) cho biết.

 

1
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa rà soát, xác định khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.
 
Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cũng xác định nguy cơ xảy ra cháy rừng trong mùa khô năm nay rất lớn. Do đó, đơn vị đã chủ động rà soát để sẵn sàng phương án PCCCR trên toàn bộ diện tích có nguy cơ cháy cao, trong đó 3.125ha tại thị xã Ninh Hòa, 1.469ha tại huyện Vạn Ninh. Tương tự, các đơn vị chủ rừng Nhà nước khác như: Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương, Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà và các đơn vị được Nhà nước giao, cho thuê rừng cũng đã tích cực rà soát, chuẩn bị các phương án, biện pháp ứng phó nhằm nâng cao hiệu quả PCCCR trong mùa khô năm nay. 
 
Những vấn đề cần chú trọng
 
Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm: Qua rà soát, trong mùa khô năm nay, diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy trong toàn tỉnh khoảng 30.228ha, gồm hơn 4.580ha rừng tự nhiên và hơn 25.640ha rừng trồng. Trong đó, TP. Nha Trang có hơn 250ha, TP. Cam Ranh có hơn 660ha, thị xã Ninh Hòa có hơn 4.270ha, huyện Khánh Vĩnh có hơn 12.706ha, huyện Khánh Sơn có hơn 5.172ha, huyện Diên Khánh có hơn 2.880ha, huyện Cam Lâm có hơn 2.917ha, huyện Vạn Ninh có hơn 1.367ha.  
Xác định nguy cơ cháy rừng cao trong mùa khô năm nay, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm cho biết, lực lượng kiểm lâm các cấp trong tỉnh sẽ tăng cường lực lượng để tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác PCCCR; tổ chức kiểm tra việc thực thi phương án PCCCR của các chủ rừng để có kiến nghị, đề xuất, hướng xử lý kịp thời; bố trí lực lượng trực theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm quốc gia để chuyển đến cơ sở kiểm tra, chỉ đạo, huy động lực lượng chữa cháy rừng khi có cháy trong thời gian sớm nhất; tham mưu cho UBND các cấp huy động lực lượng Công an, Quân đội phối hợp tham gia chữa cháy trong các tình huống xảy ra cháy rừng trên diện rộng vượt quá khả năng của cơ sở…
 
Để thực hiện tốt công tác PCCCR trong mùa khô năm nay, các đơn vị chủ rừng cần phải hoàn thiện kỹ phương án PCCCR. Trong đó, chú trọng các biện pháp kỹ thuật như thi công ranh cản lửa, giảm thiểu lượng vật liệu cháy, xác định cụ thể các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để bố trí nhân lực, vật lực, trang bị, phương tiện nhằm đảm bảo ngăn chặn kịp thời các tình huống, không để xảy ra cháy rừng, cháy lớn. Bên cạnh đó, đảm bảo trực 24/24 giờ trong mùa cao điểm cháy; tổ chức lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. “Qua nhiều năm theo dõi công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy các đơn vị chủ rừng tuy đã nỗ lực trong công tác PCCCR nhưng cần phải chú ý việc chưa kịp thời phát hiện cháy trong giai đoạn mới bén lửa; việc làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng đã qua giai đoạn chăm sóc hàng năm chưa được thực hiện; lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ của chủ rừng còn phân tán nên khi có cháy xảy ra khó khăn trong việc huy động ngay lực lượng chữa cháy”, ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm lưu ý.
 

Trong khi đó, ở các địa phương miền núi, vùng trung du, mùa cao điểm cháy rừng là thời điểm người dân phát nương, đốt dọn rẫy; ở những địa phương trồng mía là thời điểm người dân đốt dọn, vệ sinh đồng ruộng. Chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng cần tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để các hộ đốt nương rẫy đúng quy định, không gây cháy lan vào rừng. Đối với người dân khi đốt dọn nương rẫy, đồng mía, cần lưu ý làm đường ranh cản lửa, cắt cử đủ người canh coi; chuẩn bị công cụ, nước để dập khi lửa cháy lan; đốt lúc sáng sớm hoặc chiều tối, lúc gió nhẹ hoặc không có gió… 

 


 

Năm 2021, mặc dù đã chủ động triển khai công tác phòng, chống cháy rừng nhưng do thời tiết khô hanh kéo dài trong cao điểm mùa khô nên trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng tại thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh và huyện Khánh Vĩnh, gây thiệt hại 11,79ha rừng; trong đó có 5,96ha rừng trồng và 5,83ha rừng tự nhiên.

 


 

HẢI LĂNG