10:12, 06/12/2021

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Phát huy vai trò người có uy tín

Những năm qua, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã triển khai nhiều chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, địa phương đã phát huy được vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Những năm qua, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã triển khai nhiều chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Qua đó, địa phương đã phát huy được vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Gương điển hình trong mọi lĩnh vực


Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện, vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn huyện thể hiện ở mọi mặt của đời sống như: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và chấp hành pháp luật; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng; giữ gìn phong tục tập quán, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Người có uy tín còn tích cực vận động và giúp đỡ nhiều hộ đồng bào tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Bản thân người có uy tín và gia đình họ còn có nhiều đóng góp tích cực như: ngày công lao động, hiến đất, có những mô hình làm kinh tế hiệu quả được nhiều người học tập, làm theo…

 

Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Sơn  luôn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Sơn luôn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.


Trong số những người có uy tín điển hình trên địa bàn huyện phải kể đến ông Cao Văn Nhiến - Tổ dân phố Hạp Thịnh (thị trấn Tô Hạp) đã gương mẫu hiến đất vườn nhà và vận động 10 hộ trong thôn hiến 0,4ha đất vườn để Nhà nước xây bờ kè. Ông cũng vận động góp công để sửa chữa 6 căn nhà bị hư hỏng và xây mới 1 căn nhà cho các hộ ĐBDTTS trên địa bàn; tổ chức thăm viếng, giúp đỡ những gia đình ốm đau, bệnh tật hoặc qua đời 10-15 triệu đồng mỗi trường hợp. Hay trường hợp ông Cao Đảm - thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình), ông không chỉ đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế gia đình mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, mà còn vận động hàng chục hộ trong thôn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm… Ông Mấu Hồng Luyễn - thôn Chi Chay (xã Sơn Trung) có thành tích trong công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa ĐBDTTS khi duy trì, phát huy các nghề thủ công truyền thống của người Raglai tại địa phương...


Không chỉ vậy, người có uy tín trong ĐBDTTS tại Khánh Sơn còn tích cực tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các chủ trương chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển ở địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, khi cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của người dân vào việc xây dựng, triển khai các chương trình, những người có uy tín luôn gương mẫu, hăng hái đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cộng đồng dân cư để triển khai thực hiện...


Tiếp tục quan tâm đến người có uy tín


Toàn huyện Khánh Sơn có 29 người có uy tín trong ĐBDTTS. Để phát huy vai trò của đội ngũ này, hàng năm, Phòng Dân tộc huyện đã chủ động cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; báo cáo kết quả thực hiện chính sách đối với người có uy tín; tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện chương trình, chính sách dân tộc tại địa phương; một số quy định pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó, tổ chức cho người có uy tín đi tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn; cấp phát báo cho người có uy tín...


Bên cạnh đó, người có uy tín trên địa bàn huyện còn được hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần như: thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, khi bị ốm đau. Định kỳ hàng quý, UBND huyện tổ chức gặp mặt nhằm phổ biến, cung cấp thông tin về những chủ trương, chính sách mới; kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương… Những dịp này, huyện hỗ trợ các suất quà cho người có uy tín là 200.000 đồng/người.


Qua giám sát về việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS tại Khánh Sơn mới đây, bà Lê Thị Mai Liên - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh khẳng định, người có uy tín trong ĐBDTTS là đầu mối của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; là điểm tựa tinh thần cho ĐBDTTS tại địa phương. Do đó, địa phương cần nghiên cứu triển khai hiệu quả Quyết định số 12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS. Qua đó, tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong ĐBDTTS để tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương...


HẢI LĂNG