10:11, 12/11/2021

Mong sớm xây dựng cầu Phú Kiểng

Hàng ngàn hộ dân xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) mong ước các cấp có thẩm quyền sớm đầu tư xây dựng cầu Phú Kiểng để tạo thuận lợi, an toàn cho người và phương tiện lưu thông, nhất là trong mùa mưa bão.

Hàng ngàn hộ dân xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) mong ước các cấp có thẩm quyền sớm đầu tư xây dựng cầu Phú Kiểng để tạo thuận lợi, an toàn cho người và phương tiện lưu thông, nhất là trong mùa mưa bão.


Nơm nớp lo mỗi mùa mưa bão


Những ngày qua, mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Cái Nha Trang dâng cao, chảy xiết. Cầu gỗ Phú Kiểng (nối 3 thôn: Xuân Ngọc, Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 với trung tâm xã Vĩnh Ngọc) đã được tháo dỡ không cho người dân lưu thông để bảo đảm an toàn.

 

Cầu gỗ Phú Kiểng đã xuống cấp, thường xuyên bị lũ cuốn trôi.

Cầu gỗ Phú Kiểng đã xuống cấp, thường xuyên bị lũ cuốn trôi.


Hàng ngày qua lại cầu Phú Kiểng, ông Nguyễn Xuân Huệ (thôn Hòn Nghê 1) cho biết, mỗi lần đi qua cầu ông luôn cảm thấy bất an bởi cầu được làm từ những thanh gỗ mỏng, các trụ bê tông ở dưới rất yếu. Nhưng không đi không được vì qua cầu mới rút ngắn được thời gian lưu thông, nếu không phải chạy đường vòng mất hơn 30 phút mới tới được trung tâm xã Vĩnh Ngọc. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tại các cuộc tiếp xúc cử tri, mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây dựng cầu để bảo đảm cho việc lưu thông của người dân. Năm nào cũng vậy, cứ mùa mưa là đóng cầu không được lưu thông, rất bất tiện. Tội nhất là mấy cháu nhỏ đi học, hàng ngày cứ phải đi qua cây cầu gỗ này. Nhiều lần đang đi, thanh gỗ mặt cầu bật lên, rớt ra ngoài, tạo khoảng trống hết sức nguy hiểm. Đặc biệt là vào buổi tối, việc đi qua cầu càng không an toàn”, ông Huệ ý kiến.


Được biết, năm 2013, tại đây xảy ra một vụ tai nạn, một người qua cầu bị rớt xuống sông tử nạn. Cuối năm 2018, cầu gỗ Phú Kiểng bất ngờ bị gãy tại một vị trí gần bờ, gần chục mét mặt cầu bị nghiêng, khiến 3 người và 3 xe máy rơi xuống sông; rất may không ai bị thương, các phương tiện cũng được đưa lên bờ.


Theo tìm hiểu, trước đây, người dân ở các thôn này muốn qua UBND xã để làm thủ tục giấy tờ hoặc học sinh đi học đều được chở bằng ghe. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, việc đi lại bằng đường sông hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đến năm 2001, ông Nguyễn Xuân Thuận (người dân địa phương) đứng ra làm cầu gỗ cho người dân đi lại và có thu phí. Cầu có chiều dài gần 400m, mặt cầu rộng hơn 1,5m. Cầu có kết cấu giản đơn, được lắp ghép bằng những thanh gỗ, phía dưới có một số trụ bê tông nhỏ. Những năm gần đây, tuy đã được tu bổ, sửa chữa nhưng cầu vẫn xuống cấp và thường xuyên bị trôi khi mưa lũ về.


Ông Nguyễn Xuân Thuận cho hay: “Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão là tôi lo nơm nớp. Nước lũ kéo về mà không kịp tháo cầu sẽ bị trôi mất, phải làm lại, rất tốn kém. Nhưng gia đình tôi cũng đã gắn bó nhiều năm với cây cầu, mỗi ngày hàng ngàn lượt người qua lại, tạo điều kiện rút ngắn thời gian lưu thông của người dân. Vì thế, tôi vẫn cố gắng duy trì và sửa chữa để bảo đảm an toàn. Nhưng cây cầu gỗ này cũng chỉ là cầu tạm, về lâu dài, người dân vẫn cần có cầu bê tông vĩnh cửu để lưu thông an toàn, thuận lợi hơn”.  


Sẽ đầu tư xây cầu kiên cố

 

3 thôn: Xuân Ngọc, Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 có khoảng hơn 2.000 hộ dân. Cầu Phú Kiểng nối liền các thôn này với 5 thôn khác của xã. Ngoài ra, đây còn là lối đi tắt qua phía bắc TP. Nha Trang của các xã: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trung. Có khoảng 200 học sinh các cấp hàng ngày phải đi qua cầu để tới trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết, người dân trong xã mong muốn cầu gỗ Phú Kiểng sớm được thay thế bằng một cây cầu bê tông chắc chắn . UBND xã đã kiến nghị lên UBND TP. Nha Trang rất nhiều lần. Thế nhưng, do kinh phí lớn nên đến nay vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề này. Để bảo đảm an toàn cho người dân, mỗi mùa mưa bão, xã đều yêu cầu chủ cầu phải có phương án sửa chữa, gia cố cầu. Đồng thời, xã cũng cử dân quân, công an xã chốt chặn tại 2 đầu cầu không cho người dân đi qua khi đóng cầu. Ngoài ra, địa phương thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát đánh giá mức độ an toàn của các trụ đỡ bê tông phía dưới, nếu trụ nào có dấu hiệu không bảo đảm thì yêu cầu chủ đầu tư thay thế. Trong các đợt mưa lũ khi đóng cầu Phú Kiểng, để bảo đảm cho học sinh tới trường, địa phương trích kinh phí thuê ca nô để đưa đón học sinh. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Việc cấp thiết là phải đầu tư xây dựng cây cầu kiên cố, không chỉ bảo đảm an toàn cho người dân đi lại mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, những bất cập khi lưu thông qua cầu gỗ Phú Kiểng không phải địa phương không biết. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng cầu mới kiên cố không hề đơn giản bởi cần nguồn kinh phí lớn. Thành phố đã có chủ trương xây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu và được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, với số vốn khoảng 200 tỷ đồng. UBND thành phố sẽ xin chủ trương của Thành ủy và trình HĐND thành phố thông qua để sớm triển khai.


THÀNH NAM