10:04, 14/04/2021

Tiểu thương phàn nàn việc quản lý chợ Hòn Rớ

Thời gian gần đây, nhiều tiểu thương ở chợ Hòn Rớ (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) phản ánh về việc Tổ quản lý chợ không xử lý tình trạng buôn bán hàng rong khiến cho việc buôn bán ế ẩm.

Thời gian gần đây, nhiều tiểu thương ở chợ Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) phản ánh về việc Tổ quản lý chợ không xử lý tình trạng buôn bán hàng rong khiến cho việc buôn bán ế ẩm.


Bà V.T.H - tiểu thương hàng thịt cho biết: “Trước đây, mỗi ngày, tôi bán 1 - 2 con heo, nhưng hiện nay bán nửa con cũng không hết. Trong khi đó, các sạp thịt bên ngoài bán gấp nhiều lần chúng tôi”. Tương tự, ông N.V.Đ - tiểu thương hàng rau nói: “Trước đây, mỗi ngày, sạp tôi tiêu thụ 1 - 2 tạ rau củ quả, bây giờ chỉ bán được vài chục ký. Ai cũng bức xúc chuyện chợ ế ẩm vì hàng rong”.

 

Tiểu thương buôn bán trong chợ Hòn Rớ.

Tiểu thương buôn bán trong chợ Hòn Rớ.


Tiểu thương còn phản ánh về việc các khoản chi tăng đột biến. Bà N.T.C - tiểu thương hàng thịt cho biết, gần đây, phí bảo vệ đã tăng 2,5 lần; sạp của bà phải trả 50.000 đồng/tháng phí an ninh, trong khi trước kia chỉ có 20.000 đồng/tháng, chưa kể các khoản chi phí khác như điện, nước, vệ sinh đều tăng… Ngoài ra, từ ngày Tổ quản lý tạm thời tiếp quản chợ đã tự tiện mở thêm cổng, xây ki-ốt, nhà xe, cho phép người buôn bán ban đêm ngủ lại trong chợ.


Quan sát một vòng bên ngoài chợ Hòn Rớ, chúng tôi thấy có 2 hàng thịt, 3 hàng rau và nhiều hàng bán trái cây, hoa quả tươi… Hàng quán được buôn bán khá tự do, không ai nhắc nhở.


Trao đổi về những nội dung phản ánh của tiểu thương, bà Nguyễn Thị Hoa - Tổ phó Tổ quản lý chợ Hòn Rớ giải thích: “Việc buôn bán ế ẩm chủ yếu do thị trường trầm lắng vì dịch Covid-19. Hàng rong buôn bán lưu động, đuổi chỗ này thì họ chạy chỗ khác, rất khó quản lý. Tổ đã vận động người bán hàng rong vào bên trong chợ, sắp xếp lô sạp để kinh doanh nhưng họ không chịu. Mặt khác, kinh tế khó khăn, nhiều hộ chuyển qua buôn bán nhỏ nên càng khó quản lý”.

 

Ông Huỳnh Tấn Hải - Trưởng phòng Quản lý thương mại - Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương: Hiện nay, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công yêu cầu thẩm định lại tài sản của Nhà nước để quản lý hiệu quả. Vì vậy, nếu chợ đang hợp đồng với doanh nghiệp có thể gia hạn hay chuyển cho địa phương quản lý. Các địa phương xây dựng phương án chuyển đổi và trình HĐND tỉnh phê duyệt đưa tài sản công vào kinh doanh, cho thuê hay liên doanh, liên kết nhưng phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ và có lãi.

Bà Hoa khẳng định, từ ngày tiếp quản, tổ quản lý vẫn giữ nguyên mức phí cũ. Về mở rộng mặt bằng, xây dựng ki-ốt cho thuê, mấy năm trước, do bão làm tường rào đổ ngã nên tổ đã xin phép UBND xã cho phá dỡ tường rào, xây 10 ki-ốt mới để cải tạo mặt bằng, đồng thời làm nhà xe để dễ quản lý. Người đến thuê ki-ốt đều có đơn và được UBND xã phê duyệt, ký hợp đồng thuê mặt bằng với giá 900.000 đồng/tháng/ki-ốt. Các ki-ốt buôn bán hàng tạp hóa, ngư lưới cụ nên không cạnh tranh với các lô sạp bên trong.


Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho hay, sau khi Công ty TNHH Châu Tiến Đạt - doanh nghiệp trúng thầu chợ Hòn Rớ hết hạn hợp đồng, theo chỉ đạo của thành phố, xã không tiếp tục đấu thầu chợ mà chuyển sang quản lý tạm thời trong khi chờ hướng dẫn của cấp trên. Địa phương sắp xếp các cán bộ thuộc diện dôi dư thành lập tổ quản lý tạm. Tổ hầu hết là người không có chuyên môn nên làm việc còn thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, về tình hình thu chi, vẫn giữ mức thu theo quy định là 3.000 đồng/ngày/lô sạp. Tổ chỉ thu hộ các khoản do các đơn vị khác ủy quyền như điện, vệ sinh… Về tình hình cơi nới, xây dựng ki-ốt tại chợ, tổ có đề nghị, Đảng ủy, chính quyền xã thống nhất, duyệt phương án. Với những phản ánh của tiểu thương, xã sẽ tổ chức họp chấn chỉnh, có cách làm mới công khai, minh bạch.


V.L