10:03, 05/03/2021

Trại nuôi nhốt bò ở thôn Nghi Phụng, xã Ninh Phụng sẽ di dời ra khỏi khu dân cư

Báo Khánh Hòa nhận được đơn phản ánh của ông Dương Đông Duy (thôn Nghi Phụng, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa) về việc trại nuôi nhốt bò của gia đình ông Dương Công Xin ở cùng thôn gây ô nhiễm môi trường. Qua làm việc với UBND xã Ninh Phụng và trao đổi với phóng viên, ông Xin cho biết đang tìm thuê mặt bằng xa khu dân cư để di dời trại nuôi bò.

Báo Khánh Hòa nhận được đơn phản ánh của ông Dương Đông Duy (thôn Nghi Phụng, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa) về việc trại nuôi nhốt bò của gia đình ông Dương Công Xin ở cùng thôn gây ô nhiễm môi trường. Qua làm việc với UBND xã Ninh Phụng và trao đổi với phóng viên, ông Xin cho biết đang tìm thuê mặt bằng xa khu dân cư để di dời trại nuôi bò.


Theo trình bày của ông Dương Đông Duy, trại nuôi nhốt bò của gia đình ông Xin đã tồn tại lâu nay trong khu dân cư thôn Nghi Phụng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh. Những khi ông Xin mua bò về nhiều, trong lúc chờ bán, ngoài nuôi nhốt trong trại ngay tại nhà, ông Xin còn nhốt bò ở mảnh đất sát vách nhà ông Duy. “Năm 2019, một số người dân trong thôn đã phản ánh tình trạng này lên UBND xã Ninh Phụng. Chính quyền xã đã yêu cầu ông Xin khắc phục nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không thuyên giảm nên người dân tiếp tục phản ánh. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương can thiệp, vận động ông Xin di dời trại nuôi nhốt bò ra xa khu dân cư, không nuôi nhốt bò ở khu vực sát vách nhà tôi”, ông Duy nói.

 

Trại nuôi nhốt bò của gia đình ông Dương Công Xin tại thôn Nghi Phụng.

Trại nuôi nhốt bò của gia đình ông Dương Công Xin tại thôn Nghi Phụng.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2019, khi nhận thông tin phản ánh tình trạng trại nuôi nhốt bò của gia đình ông Xin gây ô nhiễm môi trường, UBND xã Ninh Phụng đã kiểm tra, yêu cầu ông Xin thực hiện việc xây tường rào che chắn, bấm tôn kín ở cửa chính ra vào trại nuôi, thường xuyên sử dụng hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực nuôi nhốt bò và dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ…


Ông Võ Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Ninh Phụng cho biết: “Mới đây, khi ông Duy có đơn phản ánh, đoàn kiểm tra của UBND xã Ninh Phụng tiến hành kiểm tra và nhận thấy, ông Xin đã thực hiện các yêu cầu của UBND xã như: Xây tường che chắn, đặt hệ thống hầm rút nước thải, làm hồ chứa phân bò, xử lý môi trường bằng hóa chất và vôi… Tại thời điểm kiểm tra, chuồng bò tương đối sạch, không có nhiều mùi hôi. UBND xã yêu cầu ông Xin giữ vệ sinh chung, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, xử lý phân bò bằng hóa chất… UBND xã sẽ thường xuyên kiểm tra việc chấp hành về vệ sinh môi trường đối với hộ ông Xin; nếu không chấp hành, xã sẽ xử lý theo quy định”.

 

Từ Tết Nguyên đán đến nay, ông Xin không còn nuôi nhốt bò cạnh nhà ông Duy.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, ông Xin không còn nuôi nhốt bò cạnh nhà ông Duy.


Được biết, gia đình ông Xin làm nghề mua bán bò nhiều năm nay. Từ năm 2015, số lượng bò ông mua mỗi đợt nhiều nhất 15 - 20 con. Ông Xin cho biết, ông làm trại nuôi nhốt bò ngay trong vườn nhà là để tiện việc bán buôn và ông cũng thừa nhận không thể tránh khỏi phát sinh mùi hôi. Để hạn chế ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, ngoài việc thực hiện các yêu cầu của UBND xã Ninh Phụng, ông còn thuê 1 nhân công để dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại nhốt bò hàng ngày. Mảnh đất cạnh nhà ông Duy, ông Xin chủ yếu dùng để chứa rơm rạ làm thức ăn cho bò; thỉnh thoảng có nuôi nhốt tại đây vài con khi trại nuôi tại nhà không còn chỗ.


Trao đổi với chúng tôi, ông Xin khẳng định: “Từ khi ông Duy phản ánh việc tôi nuôi nhốt bò ở cạnh nhà, gây ảnh hưởng đến gia đình ông, tôi đã chấm dứt ngay việc nhốt bò tại đây; chỉ sử dụng khu vực này để chứa cỏ, rơm. Tôi đang đề nghị UBND xã Ninh Phụng cho thuê khu vực đất ở gò Cây Bướm (cách xa khu dân cư) do UBND xã quản lý để làm trại nuôi nhốt bò. Khi đó, tôi sẽ di dời toàn bộ trại nuôi nhốt bò ra xa khu dân cư để ổn định việc kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến những hộ xung quanh. Nếu không được chấp thuận, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm khu vực khác phù hợp để di dời”.


  HẢI LĂNG