09:02, 22/02/2021

Bất cập trong thực hiện chương trình giảm nghèo

Qua thanh tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, cơ quan thanh tra phát hiện một số dự án tính toán sai khối lượng

Qua thanh tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, cơ quan thanh tra phát hiện một số dự án tính toán sai khối lượng, việc hỗ trợ cho người dân vùng khó khăn chưa kịp thời và chưa tuân thủ theo quy định. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chấn chỉnh, khắc phục. 
 
Kê tăng khối lượng thi công
 
Thực hiện Chương trình kế hoạch thanh tra năm 2020, Thanh tra tỉnh đã thực hiện cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 tại các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm và Vạn Ninh. Ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng khó khăn theo chương trình giảm nghèo, Thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra một số dự án đầu tư hạ tầng thực hiện tại 4 địa phương nói trên. Tổng mức đầu tư đối với 48 công trình được thanh tra gần 54,8 tỷ đồng. Các công trình được thanh tra đã nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và được cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

 

Công trình san ủi mặt bằng xây dựng Trung tâm Văn hóa xã Sơn Tân có nhiều sai sót.
Công trình san ủi mặt bằng xây dựng Trung tâm Văn hóa xã Sơn Tân có nhiều sai sót.
 
Theo ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ - Phó Chánh Thanh tra tỉnh, việc đầu tư xây dựng các công trình đã cơ bản đáp ứng mục tiêu mà Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đề ra, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, từng bước đưa các thôn, xã khó khăn vươn lên thoát nghèo. Các chủ đầu tư cơ bản chấp hành đúng quy định pháp luật về trình tự, thủ tục trong quản lý đầu tư. Tuy nhiên, qua thanh tra phát hiện một số sai sót, vi phạm tại các công trình.
 
Tại huyện Cam Lâm, công trình san ủi mặt bằng xây dựng Trung tâm Văn hóa xã Sơn Tân có nhiều sai phạm. Dự án được UBND huyện Cam Lâm phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật vào năm 2017 và giao cho UBND xã Sơn Tân làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng, đã nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12-2018. Qua thanh, kiểm tra, Thanh tra tỉnh phát hiện khối lượng thi công ít hơn nhiều so với khối lượng quyết toán. Thực tế khối lượng đất đào, đắp và vận chuyển chỉ có 24.406m3 nhưng lại được quyết toán tới 51.872m3, dẫn đến nhà thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng số 1 Diên Khánh hưởng sai hơn 395 triệu đồng, đơn vị tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH Xây dựng Tân Hạnh Phát hưởng sai 9,386 triệu đồng, chủ đầu tư là UBND xã Sơn Tân hưởng sai chi phí quản lý dự án 7,351 triệu đồng. 
 
Tại huyện Vạn Ninh, đơn vị lập thiết kế và lập dự toán một số công trình đường giao thông tại các xã: Đại Lãnh, Vạn Khánh và Vạn Phước đã tính toán thừa khối lượng đắp cát công trình hơn 273m3, dẫn đến để nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng T.A.L hưởng sai 114,6 triệu đồng. Tương tự, tại huyện Khánh Vĩnh, đơn vị tư vấn lập thiết kế và lập dự toán công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Sơn Thái - giai đoạn 3 đã tính thừa khối lượng cắt nền đường bê tông 22m, dẫn đến trị giá dự toán được duyệt đối với công trình tăng lên không đúng quy định gần 87 triệu đồng. 
 
Chi hỗ trợ sai quy định
 
Thực hiện chương trình giảm nghèo, Nhà nước còn chi hỗ trợ phát triển sản suất cho các hộ nghèo, cận nghèo ở vùng khó khăn. Từ năm 2016 đến 2019, tổng kinh phí chi hỗ trợ cho 11 xã đặc biệt khó khăn và 1 thôn đặc biệt khó khăn tại 4 huyện 7,984 tỷ đồng. Trong đó, huyện Khánh Sơn hỗ trợ cho 7 xã với kinh phí 4,594 tỷ đồng; huyện Khánh Vĩnh hỗ trợ cho 2 xã và 1 thôn với kinh phí 1,3 tỷ đồng; huyện Cam Lâm hỗ trợ cho 3 xã với kinh phí 1,94 tỷ đồng và huyện Vạn Ninh hỗ trợ 1 xã với kinh phí 150 triệu đồng.
 
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, việc hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện đúng đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, việc chi hỗ trợ không tuân thủ theo định mức quy định. Cụ thể, Quyết định số 3347 ngày 31-10-2016 của UBND tỉnh về Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 quy định định mức hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế đối với hộ nghèo được hỗ trợ một lần, tối đa 12 triệu đồng/hộ; hộ cận nghèo được hỗ trợ một lần, tối đa 10 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ thực tế ở các địa phương không đồng nhất, có xã hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ, cao hơn định mức quy định. Tổng số tiền hỗ trợ phát triển sản xuất chi sai (vượt mức) là 231,41 triệu đồng. Trong đó, huyện Khánh Sơn chi vượt định mức 111,41 triệu đồng, huyện Khánh Vĩnh chi vượt 120 triệu đồng.

 

Đời sống của không ít hộ dân ở miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đời sống của không ít hộ dân ở miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Từ tháng 4-2017 đến nay, quy định về việc hỗ trợ phát triển sản xuất có sự thay đổi so với trước đó. Cụ thể là việc hỗ trợ sẽ được thực hiện khi UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành nghị quyết quy định chế độ, định mức hỗ trợ cụ thể. Qua rà soát, từ năm 2017 đến nay, HĐND tỉnh chưa ban hành nghị quyết về mức hỗ trợ nhưng các xã của 3 huyện: Khánh Sơn, Cam Lâm, Vạn Ninh đã chi hỗ trợ phát triển sản xuất cho các đối tượng nhận hỗ trợ năm 2018 và 2019 với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, huyện Khánh Sơn hỗ trợ sai (khi chưa có nghị quyết của HĐND tỉnh) gần 4 tỷ đồng, huyện Cam Lâm 940 triệu đồng và huyện Vạn Ninh 150 triệu đồng.
 
Khánh Vĩnh Còn 9,45 tỷ đồng không thể chi
 
Như đã nói ở trên, khi HĐND tỉnh chưa ban hành Nghị quyết quy định chế độ, định mức hỗ trợ thì chưa có căn cứ để chi tiền hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, nếu địa phương không thực hiện chi tiền hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo và cận nghèo thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn, phần thiệt thòi lại thuộc về những đối tượng được thụ hưởng chính sách.
 
Cụ thể, căn cứ vào định mức đầu tư một số dự án thuộc Chương trình 135, các xã thuộc chương trình này được ngân sách phân bổ 300 triệu đồng/xã/năm để hỗ trợ những dự án phát triển sản xuất cho người dân. Đối với các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II, mỗi thôn 50 triệu đồng/năm.
 
Giai đoạn 2018 - 2020, huyện Khánh Vĩnh có 10 xã và 3 thôn thuộc diện hỗ trợ này. Tuy nhiên, do HĐND tỉnh chưa ban hành Nghị quyết quy định định mức hỗ trợ phát triển sản xuất dẫn đến huyện Khánh Vĩnh không thể thực hiện chi hỗ trợ phát triển sản xuất cho đối tượng thụ hưởng với tổng số tiền 9,45 tỷ đồng. Số tiền này đang còn ở Kho bạc Nhà nước huyện Khánh Vĩnh, chưa có hướng xử lý trong khi các hộ nghèo, cận nghèo vùng khó khăn lại không được thụ hưởng.
 
Nghiêm khắc rút kinh nghiệm
 
Một trong những mục tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến năm 2020 là có ít nhất 2 xã và 2 thôn thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Kết quả đến năm 2020, toàn tỉnh có 4 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, không có xã đặc biệt khó khăn nào thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Từ kết quả thanh, kiểm tra, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi mức chênh quyết toán do các sai phạm tại một số dự án đầu tư nằm trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại các huyện: Cam Lâm, Vạn Ninh và Khánh Vĩnh. Theo ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ, đối với khoản tiền chi vượt định mức hỗ trợ phát triển sản xuất (231,41 triệu đồng) và chi không có định mức hỗ trợ phát triển sản xuất (hơn 5 tỷ đồng), theo quy định phải xử lý thu hồi nộp ngân sách. Tuy nhiên qua thanh tra, xác minh thực tế cho thấy, các hộ nghèo, cận nghèo đều được nhận hỗ trợ đầy đủ, kịp thời; số tiền, vật nuôi, giống cây trồng từ việc hỗ trợ đã giúp người dân từng bước thoát nghèo. Do đó, Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử lý không thu hồi nộp ngân sách khoản tiền nói trên.
 
Tháng 12-2020, sau kết luận thanh tra của cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất với đề xuất xử lý của Thanh tra tỉnh, đó là thu hồi hơn 410 triệu đồng mức chênh quyết toán và không thu hồi nộp ngân sách khoản tiền hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ nội dung Kết luận thanh tra và quy định của pháp luật, tiến hành rà soát, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng một số địa phương chi hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo sai quy định hoặc không thực hiện chi hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ. Đối với khoản tiền 9,45 tỷ đồng huyện Khánh Vĩnh chưa chi, tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại địa phương để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm (nếu có). Chủ tịch UBND các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Vạn Ninh và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm đối với các đơn vị, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, thiếu sót nêu tại Kết luận thanh tra. Thanh tra tỉnh căn cứ kết quả thanh tra, dự thảo văn bản yêu cầu các đơn vị tư vấn có liên quan rút kinh nghiệm về các sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra, không để xảy ra các sai phạm trong thời gian đến. 
 
HỒNG ĐĂNG