10:12, 27/12/2020

Kết nối giao thông để phát triển kinh tế liên tỉnh

Sở Giao thông vận tải cho rằng, việc đầu tư tuyến đường nối từ thị trấn Tân Sơn (tỉnh Ninh Thuận) đi Tà Năng (tỉnh Lâm Đồng) sẽ tạo kết nối giao thông, liên kết phát triển kinh tế tam giác Lâm Đồng - Khánh Hòa - Ninh Thuận.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, việc đầu tư tuyến đường nối từ thị trấn Tân Sơn (tỉnh Ninh Thuận) đi Tà Năng (tỉnh Lâm Đồng) sẽ tạo kết nối giao thông, liên kết phát triển kinh tế tam giác Lâm Đồng - Khánh Hòa - Ninh Thuận.


3 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng và Ninh Thuận có vị trí địa lý như một vùng tam giác cùng liên kết để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, cả 3 địa phương đều có những thế mạnh đặc thù riêng biệt, với những sản phẩm du lịch phong phú. Đã có nhiều doanh nghiệp du lịch tổ chức các tour cho khách tham quan liên kết cả 3 địa phương.

 

Quốc lộ 27B qua địa bàn TP. Cam Ranh.

Quốc lộ 27B qua địa bàn TP. Cam Ranh.


Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, hạ tầng giao thông là một phần không thể thiếu, luôn đi trước một bước tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Khánh Hòa kết nối Lâm Đồng thông qua Quốc lộ 27C, Lâm Đồng kết nối với Ninh Thuận qua Quốc lộ 27B, còn Khánh Hòa và Ninh Thuận có Quốc lộ 1 đi lại hết sức thuận lợi. Tuy nhiên, những năm qua, việc lưu thông giữa Lâm Đồng và Ninh Thuận tương đối khó khăn, đường đèo dốc, chưa thực sự thuận lợi. Đây cũng là điểm nghẽn khiến việc kết nối liên tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, đặc biệt là liên kết phát triển du lịch.


Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có báo cáo đầu tư đường nối từ thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đến Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Tổng chiều dài tuyến khoảng 61km, trong đó đi qua địa bàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận khoảng 43,7km; đoạn còn lại thuộc địa bàn huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng khoảng 17,3km. Điểm đầu (Km0+000) tại nút giao giữa Quốc lộ 27B thuộc thị trấn Tân Sơn, sau đó tuyến đi về phía Tây Nam kết nối với các xã: Quảng Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới của huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận và Ma Bó, xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, điểm cuối của dự án (Km61+000) tại ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng. Đường được thiết kế cấp III miền núi, bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 6m (có tiết giảm các thông số kỹ thuật những đoạn có địa hình khó khăn, phức tạp). Riêng đoạn qua thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp II, bề rộng nền đường 37m, mặt đường rộng 21m. Kết cấu mặt đường cấp cao A1, kết cấu áo đường bê tông nhựa nóng trên móng cấp phối đá dăm.


Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, dự án tuyến đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đến huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng sau khi được đầu tư hoàn thành sẽ tạo mạng lưới giao thông thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận - Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung. Đồng thời, tuyến đường cũng phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng yếu của các tỉnh trong vùng; giải quyết tình trạng ách tắc của các xe có tải trọng lớn, xe container lưu thông trên đèo Ngoạn Mục, rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa; nâng cao hiệu quả quỹ đất hai bên đường, khai thác tiềm năng du lịch và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 3 tỉnh.


Đối với tỉnh Khánh Hòa, khi tuyến đường hình thành sẽ kết nối các Quốc lộ 20, 28B, 27, 27B, Quốc lộ 1 tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh thông suốt đến TP. Cam Ranh, các vùng kinh tế trọng điểm của TP. Cam Ranh, tạo thuận lợi trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Lâm Đồng thông qua cảng Cam Ranh để xuất khẩu, tạo thành các tour du lịch từ TP. Hồ Chí Minh - Bảo Lộc - Nha Trang và ngược lại. “UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc góp ý đầu tư tuyến đường nói trên. UBND tỉnh đã yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu, tham mưu trả lời cho tỉnh bạn. Sở nhận thấy việc đề xuất chủ trương đầu tư của dự án trên của UBND tỉnh Ninh Thuận là cần thiết”, ông Dần nói.


THÀNH NAM