11:12, 17/12/2020

Bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh

UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây sẽ là cơ sở để bảo tồn, lưu giữ, khai thác và phát triển nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu và có giá trị kinh tế của Khánh Hòa.

UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây sẽ là cơ sở để bảo tồn, lưu giữ, khai thác và phát triển nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu và có giá trị kinh tế của Khánh Hòa.  


Bảo tồn 98 nguồn gen


Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Khánh Hòa có địa hình, địa mạo và khí hậu rất đặc trưng nên có tính đa dạng sinh học cao. Qua khảo sát, ghi nhận hơn 2.200 loài thực vật bậc cao, 334 loài động vật có xương sống, 127 loài côn trùng ở cạn, khoảng 300 loài cá biển, 350 loài san hô, 440 loài không xương sống, 480 loài rong biển… Tuy nhiên, hệ sinh thái các loài, nguồn gen sinh vật rừng và biển đang bị suy thoái nghiêm trọng.

 

Bảo quản dừa xiêm giống tại phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa.

Bảo quản dừa xiêm giống tại phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa.


Kết quả nghiên cứu hệ sinh thái rừng và thực vật trên cạn liệt kê 39 loài quan trọng thực sự bị đe dọa ở các cấp độ: Sắp nguy cấp (VU), nguy cấp (EN) và rất nguy cấp (CR) theo Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới.  Trong đó, có 33 loài bị đe dọa ở quy mô quốc gia, 15 loài ở quy mô toàn cầu. Đối với động vật ở cạn, có 22 loài quan trọng tầm quốc gia và quốc tế bị đe dọa. Đối với động vật biển, chỉ riêng các loài có nguy cơ tuyệt chủng ở mức nguy cấp và rất nguy cấp đã có 3 loài thú biển, 5 loài bò sát, 14 loài cá biển và 10 loài động vật không xương sống. Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực khác cũng cần thiết bảo tồn nguồn gen như: Dừa xiêm xanh, mía tím, xoài Canh nông… (nông nghiệp); bụp giấm, diệp hạ châu đắng, sa nhân tím, xáo tam phân, cá ngựa đen, hải sâm mít… (y dược); dó bầu, pơ-mu, mun, giáng hương, chai lá cong, sao lá hình tim, lan giả hạc… (lâm nghiệp)…  


Từ năm 2012 đến nay, Khánh Hòa đạt nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn nguồn gen như: Bảo quản mô, trứng, tinh trùng, AND một số loài như: Cá ngựa đen, cá ngựa gai, tôm sú, ốc cối…; cứu hộ và bảo tồn cá heo, rùa biển; các dự án bảo tồn sinh vật quý hiếm, yến sào, sa nhân tím, lan rừng của các viện, trường, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã bảo tồn 12 đối tượng giống thủy sản (cá  chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá mú lai, cá bè đưng, cá bè vẫu, điệp seo, sá sùng…); 15 đối tượng cây trồng, vật nuôi quý hiếm (các giống mía chịu hạn, giống lúa năng suất cao, dừa xiêm xanh, mía tím, sầu riêng, lai tạo và phối giống bò lai lấy thịt, chọn mái giống gà bản địa Ninh Hòa…); bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học rừng quý hiếm như: Thông 2 lá dẹt, pơ-mu, sâm Ngọc Linh, cây hoài sơn…; bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học biển như: Tách chiết hợp chất chống ôxy hóa từ rong nâu, chế biến thực phẩm từ rong mứt và rong xanh… Ngoài ra, các nghiên cứu còn chiết xuất được các hoạt chất chống ung thư từ các chủng vi nấm của sinh vật biển…


Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, toàn tỉnh sẽ bảo tồn 98 nguồn gen. Trong đó, cây nông nghiệp 4, cây lâm nghiệp 8, cây dược liệu 23, vật nuôi 2, thủy sản 51, vi nấm biển 10.


Triển khai 10 nhiệm vụ


Theo lãnh đạo Sở KH-CN, căn cứ vào nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen của UBND tỉnh phê duyệt, Sở KH-CN là đầu mối chủ trì triển khai các nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen, giai đoạn 2021 - 2025. Tổng cộng có 10 nhiệm vụ gồm: Lưu giữ, bảo quản và phát triển các nguồn gen cây trồng đặc hữu tỉnh Khánh Hòa; đánh giá hiện trạng bảo tồn và thu thập bảo tồn nguồn gen thực vật rừng quý hiếm trong tỉnh; điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất định hướng phát triển một số loài nấm lớn thuộc ngành nấm Đảm Basidiomicota tại Khánh Hòa; điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất khai thác phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên cây dược liệu tại Khánh Hòa; lưu giữ, bảo quản và phát triển các nguồn gen vật nuôi quý, hiếm, có giá trị kinh tế tại Khánh Hòa. Ngoài ra còn có các nhiệm vụ: Bảo tồn, khai thác và phát triển có hiệu quả một số nguồn gen thủy sản quý, hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao phục vụ lai tạo và sinh sản nhân tạo tại Khánh Hòa; bảo tồn, lưu giữ và đề xuất khai thác, phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn gen sinh vật biển có hoạt tính sinh học phục vụ y học và chế biến thực phẩm có giá trị gia tăng; bảo tồn, lưu giữ và định hướng khai thác một số loài cá biển là sinh vật cảnh quý; khảo sát, đánh giá, đề xuất bảo tồn và nghiên cứu ứng dụng nguồn gen vi nấm biển có giá trị kinh tế trong lĩnh vực y dược…


Dự kiến, kết quả đạt được sẽ được lưu giữ, chăm sóc, bảo quản tại các cơ sở lai tạo, bảo tồn, nhân giống của các đơn vị như: Trạm, trại, vườn thực vật, trung tâm nghiên cứu, tổ chức KH-CN… Sở KH-CN là đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý quỹ gen, phối hợp với các sở, ngành quản lý quỹ gen cấp tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức có đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực để thực hiện và lưu giữ quỹ gen đăng ký để trở thành thành viên mạng lưới quỹ gen cấp tỉnh. Kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm và nguồn xã hội hóa.


V.L