08:11, 23/11/2020

Nhiều điểm mới trong tổ chức các cơ quan chuyên môn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 107/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 24/2014 về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; Nghị định số 108/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014 về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, cùng có hiệu lực từ ngày 25-11-2020. 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) số 107/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ số 24/2014 về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; NĐ số 108/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 37/2014 về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, cùng có hiệu lực từ ngày 25-11-2020. Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết:

 


- NĐ 107 vẫn duy trì tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh gồm 17 cơ quan được tổ chức thống nhất và 4 cơ quan được tổ chức theo đặc thù như hiện nay. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chí thành lập, duy trì các cơ quan đặc thù và cơ cấu tổ chức bên trong có một số điểm mới quan trọng. NĐ 107 điều chỉnh, bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn chung và chức năng cụ thể của các cơ quan chuyên môn.


- Xin ông cho biết cụ thể hơn về NĐ 107?


- Theo NĐ 107, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh gồm: Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; thanh tra (nếu có); văn phòng (nếu có); chi cục và tổ chức tương đương (nếu có); đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có). NĐ 107 không quy định phải có văn phòng, thanh tra sở như NĐ 24. NĐ 107 cũng quy định tiêu chí cụ thể để thành lập các tổ chức này. Ví dụ, phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III phải bố trí tối thiểu 5 biên chế công chức. Chi cục và tổ chức tương đương thuộc sở có tối thiểu 12 biên chế…


Bình quân mỗi sở có 3 phó giám đốc; tùy số lượng sở, số phó giám đốc sở tương ứng, UBND tỉnh quyết định số phó giám đốc từng sở cho phù hợp. Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; văn phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 cấp phó; từ 8 đến 14 biên chế có không quá 2 cấp phó; từ 15 biên chế trở lên có không quá 3 cấp phó. Riêng thanh tra sở có dưới 8 biên chế được bố trí 1 phó chánh thanh tra; từ 8 biên chế trở lên có không quá 2 phó. Chi cục có từ 1 đến 3 phòng được bố trí 1 phó chi cục trưởng; không có phòng hoặc có từ 4 phòng trở lên có không quá 2 phó…


Về tổ chức các cơ quan chuyên môn theo đặc thù của tỉnh, Khánh Hòa có 3 cơ quan: Ban Dân tộc, Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ. Ban Dân tộc được thành lập khi có ít nhất 20.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) sống tập trung thành cộng đồng; ít nhất 5.000 người DTTS cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; có người DTTS sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng, địa bàn xen canh, xen cư. Sở Du lịch được thành lập khi có di sản văn hóa vật thể được UNESCO ghi danh là di sản thế giới; hoặc có tài nguyên, tiềm năng du lịch nổi trội; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa hàng năm từ 10% trở lên trong 5 năm liền. Sở Ngoại vụ được thành lập khi có một trong các điều kiện: Có cửa khẩu quốc tế đường bộ; cửa khẩu quốc tế đường hàng không; cảng biển quốc tế; có từ 500 dự án đầu tư nước ngoài trở lên (hoặc tổng vốn đầu tư trên 100.000 tỷ đồng) đang hoạt động; có trên 4.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc; kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 100.000 tỷ đồng trở lên; đã ký thỏa thuận hợp tác quốc tế với 5 địa phương trở lên.


- Về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp huyện, NĐ 108 quy định thế nào, thưa ông?


- Theo NĐ 108, cấp huyện vẫn gồm 10 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất, 2 cơ quan được tổ chức theo đơn vị hành chính và 1 cơ quan được tổ chức theo đặc thù. Trong số cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất, có thể không tổ chức Phòng Y tế mà Văn phòng HĐND và UBND huyện sẽ tham mưu, giúp UBND huyện quản lý về y tế. Để thành lập Phòng Dân tộc, huyện phải có ít nhất 5.000 người DTTS đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ; có đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư. Trường hợp không tổ chức Phòng Dân tộc, Văn phòng HĐND và UBND huyện tham mưu, giúp UBND huyện quản lý lĩnh vực dân tộc. Bình quân mỗi cơ quan chuyên môn cấp huyện có 2 cấp phó. Căn cứ số phòng chuyên môn và số cấp phó, UBND huyện quyết định số cấp phó của từng phòng cho phù hợp.


NĐ 108 cũng điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn chung và chức năng cụ thể của các cơ quan chuyên môn cấp huyện; xác định lại thẩm quyền của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND huyện trong thành lập; kiện toàn; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; quyết định số cấp phó và thực hiện công tác cán bộ theo phân cấp.


- Ông đánh giá thế nào về tác động của 2 văn bản này, thưa ông?


- Do có nhiều điểm mới, nhất là về tiêu chí thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù, biên chế tối thiểu để thành lập các phòng, chi cục trực thuộc và bố trí số cấp phó, việc triển khai NĐ 107 và 108 sẽ tạo ra thay đổi lớn so với hiện trạng, nhất là cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Điều này dẫn đến thay đổi tương ứng về chỉ tiêu biên chế được phân bổ trong từng cơ quan và giữa các cơ quan; có thể phải điều chuyển, phân bổ lại chỉ tiêu, bố trí lại nhân sự theo chức danh, vị trí việc làm trên phạm vi toàn tỉnh; giải quyết chế độ, chính sách với các trường hợp dôi dư sau sắp xếp.


- Xin cảm ơn ông!


Nguyễn Vũ (Thực hiện)