11:10, 11/10/2020

Tạo đà để tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển trong tương lai

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040...

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; đồng thời cho phép UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan, đúng quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa dành cho Báo Khánh Hòa cuộc phỏng vấn về vấn đề này.

 

- Thưa ông, việc thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo điều kiện thuận lợi như thế nào trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh?

 

 

- Phải thừa nhận rằng một số quy hoạch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn chồng chéo, hệ thống quản lý chưa rõ ràng, một số quy hoạch thiếu tính khả thi, đôi khi còn xuất phát từ nhu cầu chủ quan và còn tình trạng cục bộ… Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 đã thay đổi cơ bản phương pháp và nội dung lập quy hoạch, trong đó việc tích hợp quy hoạch để giải quyết các vấn đề nêu trên là một trong các yêu cầu chính. Căn cứ Luật Quy hoạch năm 2017, Đồ án quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đang được tỉnh triển khai xây dựng theo phương pháp tích hợp. Đây là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch nhằm đạt mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.


Nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208 ngày 7-8-2020. Trong đó, tập trung xác định quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển; phương án tổ chức hoạt động KT-XH; phương án quy hoạch hệ thống đô thị; phương án phát triển kết cấu hạ tầng; phương án phân bổ khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phải xác định các chương trình, dự án đầu tư phát triển theo thứ tự ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch; xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động vốn để đầu tư xây dựng, thúc đẩy tỉnh phát triển theo hướng bền vững.


Việc xây dựng quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH đảm bảo đúng quan điểm, mục tiêu, đường lối của Đảng; phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và nguồn lực của địa phương; đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; đảm bảo tính phù hợp giữa phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tính liên kết, đồng bộ phát triển giữa các địa phương.


- Riêng đối với KKT Vân Phong, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thống nhất chủ trương xã hội hóa kinh phí lập quy hoạch. Ông đánh giá việc này sẽ tác động như thế nào đối với khu vực Vân Phong trong thời gian tới?


- Từ khi thành lập đến nay, KKT Vân Phong đã có những đóng góp cho sự phát triển KT-XH của tỉnh về thu hút vốn đầu tư, đóng góp vào tăng trưởng GRDP và ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn lao động của địa phương. Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng quá trình xây dựng và phát triển KKT Vân Phong gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của khu vực, chưa đáp ứng kỳ vọng trở thành đầu tàu thu hút đầu tư, là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước như mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ xác định. Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong và Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thống nhất chủ trương xã hội hóa kinh phí lập quy hoạch là một tín hiệu đáng mừng cho KKT Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.


Hiện nay, xu hướng dịch chuyển đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ do ảnh hưởng từ việc tranh chấp thương mại giữa các nước lớn trên thế giới. Vì vậy, muốn đón đầu làn sóng đầu tư đang dịch chuyển này cần phải có một quy hoạch mới, hiện đại, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cơ chế chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch… để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của KKT Vân Phong, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp như hiện nay thì nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có vai trò quan trọng góp phần sớm thúc đẩy phát triển KKT Vân Phong trở thành vùng kinh tế trọng điểm động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.


Vừa qua, UBND tỉnh đã ký kết bản ghi nhớ với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương về việc tài trợ việc tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong. Với sự hỗ trợ và hợp tác này, tôi hy vọng trong tương lai không xa, KKT Vân Phong sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác để trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển lớn, hiện đại của khu vực và cả nước, phát triển đúng nghĩa là một trong những cửa mở lớn hướng ra Biển Đông của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trên tuyến hành lang kinh tế Bắc Nam và Đông Tây của quốc gia như định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng niềm mong mỏi và kỳ vọng của nhân dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

 

Một góc thành phố Nha Trang. Ảnh: Vương Mạnh Cường
Một góc thành phố Nha Trang. Ảnh: Vương Mạnh Cường


- Thưa ông, đối với TP. Nha Trang, trong giai đoạn mới cần tập trung phát triển những gì và giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu đó? So với quy hoạch trước đây, nhiệm vụ quy hoạch mới có gì thay đổi?


- Tôi cho rằng, việc thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 nhằm giải quyết các vấn đề còn hạn chế, chưa được định hướng của đồ án Quy hoạch chung TP. Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1396, ngày 25-9-2012. Cụ thể, điều chỉnh quy hoạch sẽ rà soát các quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ quy hoạch năm 2012 và các vấn đề mới. Điều chỉnh quy hoạch chung sẽ nghiên cứu sự đồng bộ trong kết nối giao thông và đấu nối hạ tầng kỹ thuật cũng như sẽ được tính toán các chỉ tiêu KT-XH trong phân khu cũng như toàn đô thị. Quy hoạch trước đây quy định quản lý, thiết kế đô thị chưa phù hợp trong thực tiễn phát triển đô thị, cũng như chưa xác định các không gian kiến trúc nào là điểm nhấn… nên trong quá trình thực hiện còn thiếu cơ sở pháp lý quản lý.


Theo tôi, TP. Nha Trang đã được công nhận là đô thị loại I vào năm 2009 nên quy hoạch chung cần rà soát nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I còn thiếu như diện tích sàn nhà ở, tỷ lệ giường bệnh…; đồng thời cần đối chiếu với Nghị quyết số 1210 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Khu vực sân bay Nha Trang đã có sự chuyển đổi chức năng sử dụng đất, không gian kiến trúc cảnh quan nên có những yêu cầu về giao thông, sử dụng đất đáp ứng phù hợp với tính chất thay đổi của đô thị và cấu trúc đô thị theo trục Bắc - Nam, góp phần phát triển tổng thể không gian đô thị thành phố. Hiện nay, quy định chiều cao tối đa cho các công trình dịch vụ, công cộng, chung cư không còn phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH của thành phố nên cần có sự điều chỉnh nhằm khai thác hiệu quả việc sử dụng đất đai ở khu vực đô thị ven biển và các trục cảnh quan.


Đồ án điều chỉnh sẽ định hướng phát triển TP. Nha Trang thành một đô thị xanh, văn minh hiện đại, tiến tới đô thị thông minh xứng tầm là một trong những đô thị quan trọng của tỉnh, vùng và quốc gia; nghiên cứu điều chỉnh, hủy bỏ, bổ sung, cập nhật các dự án mới, có nghiên cứu không gian ngầm thành phố cũng như quy hoạch có tính đến ứng phó tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nghiên cứu không gian vịnh Nha Trang và hệ thống các đảo trong vịnh tạo thành một vùng du lịch biển đẳng cấp thế giới, xứng tầm là đô thị du lịch quốc gia, vịnh đẹp thế giới; nghiên cứu hệ thống hạ tầng khung giao thông; xem xét vị trí ga đường sắt Nha Trang và hệ thống cảng biển vận tải hàng hải, du lịch…


Việc lập Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 (tỷ lệ 1/10.000) là rất cần thiết, phù hợp với bối cảnh và nhu cầu phát triển KT-XH hiện nay và đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để tiến hành. Đồ án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các bước tiếp theo nhằm cụ thể hóa những định hướng chung vào các quy hoạch phân khu, chi tiết, chuẩn bị cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng có liên quan, tạo môi trường đầu tư, phát triển cho toàn xã hội tham gia, hướng tới mục tiêu đầu tư phát triển đô thị toàn tỉnh trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương với TP. Nha Trang là đầu tàu kinh tế dẫn dắt các đô thị vệ tinh của tỉnh phát triển.


Quá trình thực hiện, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai những nội dung liên quan để sớm hoàn thành đồ án trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.


- Xin cảm ơn ông!


Văn Kỳ (Thực hiện)