09:10, 29/10/2020

Phát triển vận tải hành khách công cộng: Còn nhiều khó khăn

Những năm qua, mạng lưới xe buýt trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong quá trình di chuyển. Thế nhưng gần đây, hoạt động của loại hình phương tiện này gặp rất nhiều khó khăn, cần có cơ chế, định hướng đột phá để phát triển.

Những năm qua, mạng lưới xe buýt trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong quá trình di chuyển. Thế nhưng gần đây, hoạt động của loại hình phương tiện này gặp rất nhiều khó khăn, cần có cơ chế, định hướng đột phá để phát triển.


Giúp hạn chế phương tiện cá nhân


Hiện nay, mạng lưới xe buýt trên địa bàn tỉnh có 16 tuyến, gồm 6 tuyến nội thị Nha Trang, 9 tuyến liên huyện và 1 tuyến liên tỉnh. 6 tuyến xe buýt nội thị Nha Trang do Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa thực hiện với 44 xe; khoảng cách các điểm dừng đỗ từ 300 - 700m. 9 tuyến xe buýt liên khu vực có cự ly trung bình từ 20 - 60km, phục vụ người dân các huyện, xã có nhu cầu đi lại, làm việc, giao thương với TP. Nha Trang. Đặc biệt, bên cạnh đó còn có những tuyến phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa như: Khánh Vĩnh, Khánh Bình, Ninh Tây… Tuyến xe buýt liên tỉnh có 20 xe phục vụ việc đi lại của người  dân 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Theo thống kê, bình quân mỗi năm, xe buýt toàn tỉnh vận chuyển gần 2 triệu lượt khách.

 

Xe buýt nội thị TP. Nha Trang hoạt động trên đường 2-4.

Xe buýt nội thị TP. Nha Trang hoạt động trên đường 2-4.


Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, những năm qua, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã góp phần tích cực trong việc giảm tai nạn và giảm ô nhiễm môi trường; hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông (đặc biệt là các loại phương tiện thô sơ), tiết kiệm chi phí xã hội, giảm thời gian đưa đón của phụ huynh học sinh. Cùng với đó, xe buýt cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông, ổn định trật tự vận tải, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết số 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.


Đã có cơ chế ưu đãi


Năm 2018, Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 30 Quy định về cơ chế ưu đãi trong hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện triển khai xã hội hóa đối với hoạt động xe buýt. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác hoạt động tương đối hiệu quả, mở rộng thêm nhiều tuyến xe buýt mới, được chia thành hai nhóm: Nhóm các tuyến xe buýt có trợ giá (bao gồm 6 tuyến xe buýt nội thị) và nhóm các tuyến xe buýt còn lại thực hiện xã hội hóa hoàn toàn.


Trong Quyết định 30 của UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế ưu đãi cho loại hình vận tải này. Cụ thể, doanh nghiệp được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thông tin tuyên truyền phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt; ưu đãi về hỗ trợ tín dụng với hạn mức vay vốn hỗ trợ lãi suất đến 70% tổng vốn đầu tư của dự án trong thời gian tối đa 15 năm; miễn giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn phí cầu đường và giảm giá dịch vụ lưu đậu xe; miễn tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe, ưu tiên trong thuê đất. Bên cạnh đó, phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng được miễn lệ phí trước bạ, được ưu tiên khi tham gia đấu thầu tuyến mới.


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT, hiện nay, hoạt động xe buýt vẫn còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, lượng khách du lịch tới TP. Nha Trang tăng đột biến, hạ tầng giao thông không đáp ứng được sự phát triển của các phương tiện cá nhân, lượng xe khách du lịch đổ về thường xuyên gây ùn tắc giao thông dẫn đến việc di chuyển của xe buýt bị chậm so với biểu đồ thời gian được duyệt, khiến người dân không mặn mà sử dụng dịch vụ xe buýt. Không chỉ vậy, hiện nay, tình trạng học sinh sử dụng xe máy điện đến trường tăng lên cũng khiến doanh thu xe buýt giảm. Thực trạng này khiến các doanh nghiệp không mặn mà tham gia vào hoạt động xe buýt.


Để hoạt động xe buýt mang lại hiệu quả cao, Sở GTVT kiến nghị UBND tỉnh đồng ý giao cho sở thuê đơn vị tư vấn để xác định nhu cầu vận tải nói chung, định hướng phát triển số lượng phương tiện vận tải nói riêng (trong đó có phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ) phù hợp với định  hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm cơ sở để quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Sở cũng kiến nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có giải pháp hạn chế nhập khẩu các loại xe đạp điện, xe máy điện và ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động xe buýt. Đồng thời, sớm triển khai Quyết định số 923 ngày 30-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ để hoạt động xe buýt đi vào nề nếp.


Thành Nam