09:09, 17/09/2020

Trợ lực cho vùng khó khăn

7 năm qua, các tổ chức quốc tế đã thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, trợ lực cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, việc chăm lo cho đời sống, sinh kế, nước sạch, giáo dục là những lĩnh vực được quan tâm.
 

7 năm qua, các tổ chức quốc tế đã thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, trợ lực cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, việc chăm lo cho đời sống, sinh kế, nước sạch, giáo dục là những lĩnh vực được quan tâm.
 
Nhiều chương trình thiết thực
 
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án  2214 về “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS”. Trong giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận 18 khoản viện trợ dự án và phi dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS với tổng kinh phí thực hiện hơn 25,5 tỷ đồng.
 
Trong số này, có 8 khoản viện trợ tập trung vào lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội với số tiền gần 12 tỷ đồng. Nổi bật nhất trong số này là dự án Phát triển sức khỏe và đời sống do cộng đồng quản lý được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tài trợ, triển khai tại Khánh Vĩnh. Có 5.300 hộ nghèo và ĐBDTTS ở 11 xã, thôn tại địa phương này được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ dự án thông qua việc cấp vốn, đa dạng hóa sinh kế, cây trồng, vật nuôi… Ngoài ra, nhiều dự án hỗ trợ hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nước sinh hoạt; cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân... như dự án: Giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Tổ chức Susann’s Help For Children, Thụy Sĩ); Hỗ trợ hệ thống xử lý nước sạch tại 2 trường học trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Hiệp hội ngành nước Úc)…

 

Một góc thị trấn Khánh Vĩnh. Ảnh: Vương Mạnh Cường
Một góc thị trấn Khánh Vĩnh. Ảnh: Vương Mạnh Cường
 
 
Vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh có 51 xã, thị trấn. Đồng bào các DTTS trong tỉnh có 72.782 người, chiếm 5,9% dân số, sinh sống tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Ở lĩnh vực giáo dục đào tạo, hơn 4,4 tỷ đồng từ các tổ chức PCPNN đã tập trung vào việc hỗ trợ giáo dục cho vùng khó khăn ở Khánh Vĩnh và Cam Lâm. Tiêu biểu trong số này là các dự án: Hỗ trợ xây nhà ở cho giáo viên và bếp ăn bán trú cho học sinh Trường Tiểu học Khánh Thượng, Khánh Vĩnh (Tổ chức Build aid Na Uy); Chương trình phát triển nhà trường toàn diện cho trẻ em Việt Nam tại trường Khánh Hòa - Jeju, huyện Cam Lâm (Tổ chức We Star Movement Headquarters, Hàn Quốc); Dạy nhạc và nghệ thuật cho trẻ em nghèo và tặng xe đạp cho nữ sinh nghèo (Tổ chức Rock-Paper Scissors Children Fund, Hoa Kỳ)... Các dự án đã giúp giáo viên và học sinh có điều kiện tốt hơn trong giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi.
 
Không chỉ hỗ trợ sinh kế, giáo dục, các dự án PCPNN tại Khánh Hòa còn triển khai xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có công, hỗ trợ đào giếng cung cấp nước sinh hoạt, mua sắm trang thiết bị dạy học cho giáo viên... trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,25 tỷ đồng. Ngoài ra, sau cơn bão số 12 năm 2017, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc đã tài trợ gần 8 tỷ đồng để hỗ trợ người dân Khánh Vĩnh sửa chữa nhà ở và cứu trợ tiền mặt, đáp ứng nhu cầu cơ bản, giúp người dân sớm khôi phục đời sống, sản xuất sau bão.
 
Tăng cường hợp tác quốc tế 
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua 8 năm triển khai thực hiện đề án, các dự án, chương trình hoạt động viện trợ của các tổ chức PCPNN đã góp phần thiết thực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh. Đời sống ĐBDTTS và miền núi được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 5% - 6%; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm y tế được đầu tư từng bước được hoàn thiện, trong đó 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã miền núi có trạm y tế, tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 98%, tỷ lệ hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng 94%, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc…
 
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS trong thời gian tới, UBND tỉnh xác định cần có sự kết hợp giữa các nguồn lực ở trong nước với các nguồn lực của nước ngoài để tạo bước tiến mạnh mẽ trong việc thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Chính vì thế, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung bổ sung chính sách ưu đãi để thu hút đa dạng nguồn vốn của các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng đầu tư cho vùng ĐBDTTS, miền núi và hải đảo. Đặc biệt, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Chủ động tiếp cận, vận động các chương trình, dự án viện trợ của các tổ chức và cá nhân nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh công tác tiếp xúc, vận động viện trợ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ vào vùng ĐBDTTS và miền núi. Tỉnh cũng mong muốn  Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành và các tổ chức tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh tiếp cận, vận động và kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh. 
 
Hồng Đăng