10:05, 31/05/2020

Phát triển hạ tầng giao thông đường bộ: Cần thu hút nguồn lực đầu tư

Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài 1: Hạ tầng thiếu đồng bộ


Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư gặp khó khăn nên hệ thống giao thông thiếu tính đồng bộ, liên kết. Từ đây đặt ra bài toán, làm gì để thu hút phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh?


Quan tâm đầu tư


Những năm qua, các cấp từ trung ương đến tỉnh đã quan tâm đầu tư, tạo điều kiện phát triển hạ tầng giao thông, góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển, người dân được hưởng lợi, lưu thông an toàn. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang triển khai đầu tư 2 dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 qua địa bàn tỉnh dài khoảng 54,1km; dự kiến dự án hoàn thành trong năm 2022. Đối với các đoạn tuyến còn lại: Đường bộ cao tốc đoạn Tuy Hòa - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang đã được Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án 85 và Ban Quản lý dự án 7 lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

 

Tuyến đường Đầm Môn đi Quốc lộ 1 đang được đầu tư xây dựng.

Tuyến đường Đầm Môn đi Quốc lộ 1 đang được đầu tư xây dựng.


Bên cạnh đó, hệ thống quốc lộ đoạn qua địa phận tỉnh, gồm 6 tuyến: Quốc lộ 1, 1C, 26, 26B, 27C và 27B có tổng chiều dài hơn 289km, chiếm 6,67% kết nối giao thông liên vùng (giữa Khánh Hòa và các tỉnh lân cận). Các tuyến quốc lộ này có chiều rộng mặt đường từ 5,5m đến 30m. Cùng với đó, theo Quy hoạch GTVT tỉnh giai đoạn 2006 đến 2010, định hướng đến 2020, hệ thống đường tỉnh gồm 33 tuyến và 11 tuyến đường huyện bàn giao cho tỉnh quản lý với tổng chiều dài theo quy hoạch hơn 766km, tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 7.500 tỷ đồng. Hiện nay, đã chuyển 2 tuyến đường tỉnh là đường Diên Khánh - Khánh Vĩnh dài 33,3km và đường Khánh Lê - Lâm Đồng dài 32,4km thành đường Quốc lộ 27C. Đến thời điểm này, sau khi được quy hoạch, địa phương đã triển khai đầu tư được gần 460km, phần lớn hệ thống đường tỉnh có quy mô cấp V đến cấp II, bề rộng mặt đường từ 3,5m trở lên.


Vẫn còn nhiều bất cập


Theo ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT, hệ thống đường tỉnh do sở quản lý và hệ thống đường địa phương không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn phát huy tốt vai trò kết nối các cảng biển, cảng hàng không, ga đường sắt với các tuyến quốc lộ, các trung tâm kinh tế, hành chính. Đồng thời, mạng lưới giao thông đường bộ cũng được quan tâm đưa vào Quy hoạch hệ thống GTVT tỉnh và quy hoạch xây dựng địa phương, được triển khai đầu tư xây dựng, quản lý bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ để duy trì điều kiện khai thác ổn định và an toàn.


“Tuy nhiên, có một thực tế là hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Nhiều tuyến đường có mặt đường nhỏ hẹp, nhất là các tuyến tỉnh lộ, trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một gia tăng, điều này dẫn đến những bất cập về an toàn giao thông. Có 4 điều kiện để đủ chuẩn về hạ tầng, gồm: Nền đường, mặt đường, hệ thống an toàn giao thông và thoát nước. Nhưng do điều kiện hạn hẹp về kinh phí, chúng ta đang thực hiện đầu tư theo kiểu “giật gấu vá vai”, nhiều tuyến làm nền đường cấp IV đồng bằng nhưng mặt đường lại làm cấp IV miền núi hoặc thiếu hệ thống thoát nước…”, ông Dần nói.


Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, một số dự án chưa được đầu tư kịp thời dẫn đến thiếu đồng bộ trong việc khớp nối, làm giảm hiệu quả khai thác của các tuyến đường. Cùng với đó, quá trình triển khai các dự án còn gặp nhiều vướng mắc trong công tác thu hồi đất, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm... làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Một số dự án được đầu tư theo hình thức BT, ngoài việc chậm giải phóng mặt bằng còn có nhiều bất cập như: bàn giao đất quốc phòng, việc xác định giá đất để thực hiện các dự án khác ảnh hưởng đến quá trình quyết toán công trình…


Ngoài ra, theo đánh giá của Sở GTVT, hiện nay, cơ chế chính sách thay đổi, việc cập nhật chưa kịp thời các chính sách mới như: Định mức, đơn giá nhân công, giá ca máy, thiết bị thi công… trong quá trình lập dự toán theo hướng dẫn Nghị định số 68-2019 của Chính phủ, dẫn đến việc thẩm định thiết kế và dự toán, tiến độ thi công, kế hoạch giải ngân vốn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.


THÀNH NAM


Bài 2: Cơ chế để thu hút đầu tư