11:05, 24/05/2020

Bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ

Để giảm thiểu tối đa tình trạng xâm hại trẻ em, những năm qua, các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh đã kết hợp với gia đình thực nhiều giải pháp nhằm bảo đảm môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ phát triển.

Để giảm thiểu tối đa tình trạng xâm hại trẻ em, những năm qua, các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh đã kết hợp với gia đình thực nhiều giải pháp nhằm bảo đảm môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ phát triển.


Cùng nỗ lực


Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), tính đến tháng 11-2019, toàn tỉnh có 23 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện; trong đó có 20 vụ xâm hại tình dục trẻ. Cùng với vai trò của cơ quan công an, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em; công tác phòng, chống việc lạm dụng nhận con nuôi, quản lý nhà nước về giám định tư pháp đối với trẻ em bị xâm hại được triển khai tích cực, góp phần phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, các ngành, đoàn thể, địa phương còn chú trọng thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em bằng các hoạt động tư vấn, hòa giải, tố tụng… nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em.

 

Học sinh Trường Mầm non Họa Mi,  huyện Khánh Vĩnh.

Học sinh Trường Mầm non Họa Mi, huyện Khánh Vĩnh.


Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng bước đầu, nhận thức của người dân về phòng, chống xâm hại trẻ em đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tại các diễn đàn, cán bộ, hội viên, nhân dân, các bậc phụ huynh đã cùng chia sẻ, trao đổi kiến thức về xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục, xâm hại bạo lực nói riêng và thảo luận về cách thức phòng, chống, nâng cao kỹ năng cho trẻ trong ứng phó với các tình huống xâm hại. Ở một số địa phương, trẻ mẫu giáo, tiểu học đã được tiếp xúc, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại. Các bậc phụ huynh cũng nhiệt tình đồng hành với con mình thay vì xem đây chỉ là những chương trình ngoại khóa mang tính hình thức. “Tôi nghĩ không chỉ trẻ em gái mới đối diện với nguy cơ xâm hại, mà trẻ em trai cũng thế. Do đó, tôi luôn quan tâm tới việc trang bị cho con mình những kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân. Theo tôi, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, trong mỗi gia đình, bố mẹ phải luôn cập nhật kiến thức, quan tâm, chia sẻ và đồng hành cùng con”, chị Lê Thị Kim Thảo, phụ huynh có con học ở Trường THCS Thái Nguyên, TP. Nha Trang chia sẻ.


Tiếp tục chung tay


Theo ông Võ Bình Tân, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống xâm hại trẻ em là giải pháp rất quan trọng nhằm giảm thiểu, đẩy lùi các vụ xâm hại trẻ em. Tại các trường học, trẻ cần được trang bị kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực nói riêng. Việc nắm vững kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ giúp người dân bảo vệ con em mình mà còn nhận thức đầy đủ về quyền của mình để có thể đấu tranh trong những trường hợp con em bị xâm hại. Các bậc phụ huynh và người lớn trong gia đình cũng cần tìm hiểu, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em cho mình, tránh để bản thân trở thành đối tượng xâm hại trẻ em bằng việc đánh đập, bạo hành tinh thần con trẻ.


“Phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng còn nhiều khó khăn, thách thức bởi những thương tổn và sự nhạy cảm đối với nạn nhân trong các vụ việc. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp từ gia đình, nhà trường, thời gian tới, sở rất cần sự chung tay phối hợp của các ban, ngành liên quan và toàn xã hội với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, xử lý các vụ việc, đồng hành cùng nạn nhân trong suốt quá trình… Điều này vô cùng quan trọng và cần thiết để bảo đảm một môi trường an toàn cho sự phát triển của trẻ”, ông Tân nói.


THANH TRÚC