10:04, 05/04/2020

Hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ: Ưu tiên đề tài có tính ứng dụng cao

Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có những chuyển biến tích cực. Một số kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao trên nhiều lĩnh vực.

 

Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH-CN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có những chuyển biến tích cực. Một số kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao trên nhiều lĩnh vực.


Ứng dụng thực tế


Từ năm 2016 đến 2019, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức nghiệm thu và triển khai giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu của 56 đề tài, dự án, đề án khoa học (gọi tắt là nhiệm vụ) thuộc 5 lĩnh vực gồm: khoa học tự nhiên; kỹ thuật - công nghệ; nông nghiệp; y dược; xã hội và nhân văn. Đa phần các nhiệm vụ sau khi được nghiệm thu và giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đã mang lại kết quả nhất định, trong đó không ít lĩnh vực được đưa vào ứng dụng thực tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Các bác sĩ khám dị tật bẩm sinh cho trẻ.

Các bác sĩ khám dị tật bẩm sinh cho trẻ.


Điển hình như lĩnh vực khoa học y dược, hầu hết các nhiệm vụ sau nghiệm thu đều được ngành Y tế đưa vào ứng dụng phục vụ tốt trong công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đề tài “Nghiên cứu bóng phủ thuốc PACLITAXEL điều trị tổn thương mạch máu nhỏ và tái hẹp trong stent mạch vành”, của PGS.TS, bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành Y tế tỉnh. Đồng thời, đề tài được chuyển giao quy trình cho BVĐK tỉnh Bình Định với 120 bệnh nhân đang được áp dụng và điều trị; tỷ lệ thành công từ 90 đến 95%; giúp tiết kiệm khoảng 30 - 40% chi phí so với điều trị tại các địa phương khác. Hay đề tài “Khảo sát tình hình một số dị tật bẩm sinh ở trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi trên địa bàn TP. Nha Trang, Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa”, do bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Xáng - nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh thực hiện. Từ kết quả đề tài, BVĐK tỉnh đã xây dựng đơn vị phẫu thuật cấy điện tử ốc tai để điều trị điếc, câm cho trẻ em tại BV; phát triển chuyên ngành chỉnh hình nhi để điều trị các dị tật bẩm sinh cho trẻ. BV đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về chỉnh hình nhi tại TP. Hồ Chí Minh điều trị cho hàng trăm trẻ bị dị tật bẩm sinh chân khoèo, lõm ngực tại tỉnh và các tỉnh lân cận. Nhờ đó, bệnh nhân không phải vào TP. Hồ Chí Minh để chữa trị, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân.


Các đề tài về nuôi trồng thủy sản thời gian qua cũng gặt hái được nhiều thành công trong việc ứng dụng, góp phần đưa Khánh Hòa trở thành một trong những địa phương sản xuất giống thủy sản lớn nhất cả nước. Hiện nay, mỗi năm, ngành này cung cấp hàng triệu con giống cho các hộ dân, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước phục vụ nuôi thương phẩm. Nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá bớp, cá chẽm, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá gáy, cá bè đưng, cá mú lai, sá sùng, ốc nhảy, hải sâm, tu hài, điệp seo, ốc hương… Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều nghiên cứu và triển khai các mô hình nuôi thương phẩm (nuôi trong lồng nhựa HDPE, lồng gỗ, ao đất), chuyển giao cho người dân ứng dụng phát triển nuôi trồng thủy sản.

Tập trung vào những lĩnh vực là thế mạnh


Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, hiện nay, sở đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương; các viện, trường; tổ chức KH-CN; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký đề xuất nhiệm vụ KH-CN cho năm 2021 theo hướng ưu tiên tuyển chọn những đề tài thiết thực.


Theo đó, các nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng gắn với thị trường, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nông thôn miền núi và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chủ trương của tỉnh, năm 2021, các nhiệm vụ KH-CN tiếp tục ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để đổi mới công nghệ, phát triển các sản phẩm trọng điểm; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, mở rộng hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên các nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.


Các nhiệm vụ tập trung vào những lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh như: Nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu chiết xuất, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng từ tài nguyên biển; KH-CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, chú trọng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của từng địa phương; y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; giáo dục và đào tạo; khoa học xã hội và nhân văn, quốc phòng - an ninh…


Phát biểu tại cuộc gặp mặt cán bộ khoa học tiêu biểu đầu năm 2020, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “UBND tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) nâng cao trình độ công nghệ nhằm góp phần hợp lý hóa sản xuất, tạo sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng, có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng… Sở KH-CN đẩy mạnh thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên tuyển chọn các nhiệm vụ có tính ứng dụng, liên kết theo chuỗi giá trị nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh…”.


KHÁNH HÀ