09:02, 24/02/2020

Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực: Chú trọng hỗ trợ nghiệp vụ

Hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch và hoạt động chứng thực tại địa phương cơ sở thời gian qua đã mang lại hiệu quả nhất định, nhưng vẫn cần cơ quan chủ quản tiếp tục bồi dưỡng, hỗ trợ về nghiệp vụ.
 

Hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch và hoạt động chứng thực tại địa phương cơ sở thời gian qua đã mang lại hiệu quả nhất định, nhưng vẫn cần cơ quan chủ quản tiếp tục bồi dưỡng, hỗ trợ về nghiệp vụ.
 
Cơ bản đáp ứng nhu cầu
 
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Tư pháp Khánh Hòa cho biết, hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch và hoạt động chứng thực có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý để công nhận, bảo hộ các quyền của cá nhân; đảm bảo an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch; tạo lập giá trị pháp lý cho các giấy tờ, văn bản được chứng thực. Hàng năm, Sở Tư pháp đều chủ động kiểm tra công tác này tại cấp huyện và cấp xã để kịp thời phát hiện sai sót và có giải pháp khắc phục, đồng thời tăng cường bồi dưỡng, hỗ trợ về chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực. 
 
Qua kiểm tra hàng năm cho thấy, việc giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch, chứng thực ở cấp huyện và cấp xã được thực hiện nhanh, chính xác, đúng pháp luật, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu cải cách hành chính. Sở Tư pháp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, từng bước số hóa sổ hộ tịch theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. 
 
Năm 2019, hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch ghi nhận gần 73.000 dữ liệu đăng ký hộ tịch. So với năm 2018, năm 2019, việc chứng thực bản sao, chữ ký đã giảm mạnh ở cả cấp huyện và cấp xã, trong khi việc chứng thực chữ ký người dịch; chứng thực hợp đồng, giao dịch ở cấp huyện tăng đáng kể. Cụ thể, các phòng tư pháp cấp huyện đã chứng thực hơn 9.400 bản sao, giảm đến 54%; chứng thực 240 chữ ký trong giấy tờ, văn bản, giảm 4%. UBND cấp xã chứng thực gần 820.000 bản sao, giảm 12%; chứng thực hơn 65.000 chữ ký trong giấy tờ, văn bản, giảm 16%. Trong khi đó, số lượng chứng thực chữ ký người dịch tại các phòng tư pháp cấp huyện tăng 50% với hơn 57.000 chữ ký người dịch. Lượng hợp đồng, giao dịch được chứng thực ở cấp này cũng tăng hơn 50%, với 72 hợp đồng, giao dịch. Cấp xã chứng thực hơn 15.300 hợp đồng, giao dịch, giảm 6,5%.
 
 
 Công chức bộ phận một cửa UBND huyện Cam Lâm hướng dẫn người dân khai hồ sơ.
Công chức bộ phận một cửa UBND huyện Cam Lâm hướng dẫn người dân khai hồ sơ.
 
 
 
Tiếp tục hỗ trợ nghiệp vụ
 
Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy còn một số vướng mắc, thiếu sót. Trong công tác hộ tịch, vẫn còn hiện tượng ghi tắt địa danh hành chính trong sổ hộ tịch, sổ chứng thực; hồ sơ lưu còn thiếu giấy tờ thành phần. Có hồ sơ đăng ký khai sinh còn để trống nơi sinh, nơi thường trú, lưu bản sao giấy chứng sinh. Trong công tác chứng thực, vẫn còn tình trạng chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản chưa đúng quy định; hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch lưu chưa đầy đủ giấy tờ thành phần...
 
Theo lãnh đạo Sở Tư pháp, tồn tại trên do một số công chức chưa nắm chắc nghiệp vụ, phần khác do khối lượng công việc quá tải. So với năm 2018, năm vừa qua, cấp huyện đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho 112 trường hợp và đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài cho 60 trường hợp, tăng 30 - 35%. Số hồ sơ cấp xã giải quyết cũng đều đến 4 - 5 con số. Ví dụ, cấp xã đăng ký khai sinh hơn 21.000 trường hợp, tăng gần 8%; đăng ký lại khai sinh hơn 11.000 trường hợp; đăng ký khai tử gần 7.000 trường hợp; đăng ký kết hôn cho gần 9.000 cặp... Trong khi đó, trung bình mỗi xã chỉ có từ 1 đến 2 công chức tư pháp - hộ tịch. 
 
Để nâng cao chất lượng công tác hộ tịch, chứng thực ở cơ sở, Sở Tư pháp đã đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo cán bộ, công chức chú trọng nghiên cứu, nâng cao nghiệp vụ; tuân thủ nguyên tắc tôn trọng thông tin hộ tịch; xác định giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân; chấn chỉnh tình trạng giải quyết yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch nhằm hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ cá nhân. Sở đề nghị các phòng tư pháp tiếp tục tham mưu cho UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực; không bố trí người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm công tác hộ tịch. Đồng thời, Sở Tư pháp cũng thường xuyên có văn bản cụ thể hướng dẫn, trả lời vướng mắc của cơ sở và tổ chức tập huấn nghiệp vụ. Được biết, đến nay, 199 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã và công chức hộ tịch cấp huyện đã được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ, đạt 100%. Hiện nay, chưa địa phương nào đề nghị bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bổ sung.  
 
NGUYỄN VŨ