09:12, 16/12/2019

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Nhiều chuyển biến quan trọng

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những bước tiến quan trọng.

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những bước tiến quan trọng.


Linh hoạt, phù hợp hơn


Thời gian qua, nội dung PBGDPL được thực hiện theo hướng ngày càng thiết thực, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn. Các cơ quan tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách, văn bản về thủ tục hành chính, xây dựng nông thôn mới, xóa đói - giảm nghèo, chính sách dân tộc, bình đẳng giới, xây dựng gia đình văn hóa, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội... Hình thức PBGDPL cũng linh hoạt hơn như: tổ chức hội nghị, lớp bồi dưỡng, tọa đàm; hoạt cảnh tình huống; đăng trên website; giải đáp pháp luật qua dịch vụ 108 và các điểm bưu điện văn hóa xã; lồng ghép trong sinh hoạt ở tổ chức, khu dân cư; thi tìm hiểu pháp luật; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đến làng, xã... Trong 15 năm, toàn tỉnh đã tuyên truyền miệng cho hơn 11 triệu lượt người; tổ chức gần 2.200 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút hàng triệu lượt người tham gia. Riêng ngành Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh hoạt động nội khóa còn PBGDPL qua các hoạt động ngoại khóa như: thi tìm hiểu pháp luật, trò chơi ngoại khóa, tọa đàm; mời nói chuyện về pháp luật… Hàng năm, ngành tổ chức hơn 2.000 lượt hoạt động ngoại khóa; gần 300.000 lượt người tham gia các cuộc thi.

 

Tuyên truyền về an toàn giao thông tại Trường iSchool Nha Trang.

Tuyên truyền về an toàn giao thông tại Trường iSchool Nha Trang.


Không chỉ vậy, mỗi nơi có cách PBGDPL hiệu quả. Ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, xác định PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 1 trong 4 nội dung trọng tâm của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ban đã phối hợp tổ chức gần 500 lớp tuyên truyền về chính sách dân tộc và công tác dân tộc với hơn 25.100 lượt người tham dự; tuyên truyền pháp luật cho hơn 5.000 người dân nông thôn và đồng bào DTTS; phối hợp với huyện Khánh Vĩnh tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; phối hợp với thị xã Ninh Hòa tổ chức hội thi sân khấu hóa về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025; phối hợp tổ chức hội thi sân khấu hóa tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh các trường dân tộc nội trú và tập huấn pháp luật cho học sinh phổ thông dân tộc nội trú... Theo ông Huỳnh Văn Phi - Trưởng phòng Tư pháp huyện Diên Khánh, các cơ quan thành viên xây dựng kế hoạch và đề xuất với Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện các nội dung, kinh phí cần hỗ trợ, phối hợp nếu được giao nhiệm vụ mà không có kinh phí triển khai.


Nhờ đó, tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trên địa bàn được hạn chế; giảm số vụ việc khiếu nại kéo dài, vượt cấp; ổn định tình hình an ninh xã hội.


Tiếp tục nâng cao hiệu quả

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 219 thành viên hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; 1.514 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; 1.010 tổ hòa giải với 5.496 hòa giải viên.


Qua 15 năm thực hiện, các cấp, ngành đã phát hơn 75.000 lượt bản tin ở cơ sở; tổ chức gần 2.200 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút hàng triệu người tham gia. Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh trợ giúp gần 10.100 vụ việc; bào chữa, bảo vệ quyền lợi tại tòa 931 vụ và trợ giúp pháp lý lưu động 426 đợt. Hàng năm, gần 90% tranh chấp nhỏ được hòa giải thành...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số cơ quan thiếu chủ động trong chỉ đạo, điều hành công tác PBGDPL; năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa đồng đều; hình thức PBGDPL tuy đổi mới nhưng chưa thực sự hấp dẫn; kinh phí đầu tư còn hạn chế...


Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 mới đây, ông Huỳnh Văn Phi kiến nghị, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên, vì ngoài hòa giải, họ còn có thể giúp trang bị kiến thức pháp luật cho gia đình, làng xóm để tự điều chỉnh hành vi khi xảy ra tranh chấp. Đồng thời, cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; có thể chuyển tải nội dung hỏi đáp pháp luật qua các clip, hoặc dẫn link để người dân xem trên điện thoại di động...


Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, các cấp, ngành cần làm thay đổi cách nghĩ của người dân, để họ hiểu pháp luật không chỉ gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, giải quyết tranh chấp, mà còn là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân; cần kết hợp PBGDPL trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức với công tác hòa giải ở cơ sở và hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật. Bên cạnh đó, chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác PBGDPL; thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền...


NGUYỄN VŨ