10:11, 05/11/2019

Xây dựng ngân hàng tên đường

Đề án "Xây dựng ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa" vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu và đánh giá cao.

Đề án “Xây dựng ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu và đánh giá cao.


Việc đặt tên đường còn hạn chế


Khánh Hòa hiện có 9 huyện, thị xã, thành phố với 140 xã, phường, thị trấn và 992 thôn, tổ dân phố. Những năm qua, việc đặt tên đường đã được các cơ quan liên quan triển khai, đáp ứng nhu cầu phát triển văn minh đô thị. Song, hiện nay quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đang diễn ra mạnh mẽ, ngày càng có nhiều khu đô thị, khu dân cư mới được hình thành dẫn tới nhu cầu đặt tên cho các tuyến đường phố và công trình công cộng ngày càng tăng. Chính vì thế, việc đặt tên đường của một số địa phương chưa đáp ứng kịp thời, còn lúng túng, tên đường trùng lặp, nhiều tuyến đường đặt tên chưa bám sát lịch sử, văn hóa, nhân vật của địa phương, còn vay mượn ở các địa phương khác. Một số tên không còn tương xứng với quy mô của đường hoặc chưa hợp lý về độ dài, ngắn nhưng chậm được sửa đổi. Việc sử dụng các địa danh, sự kiện lịch sử, danh nhân, anh hùng… của địa phương để đặt tên đường và công trình công cộng còn hạn chế. Chưa kể, phần lớn các công trình công cộng chưa được đặt tên, thường gọi theo tên của đơn vị hành chính hoặc tên tự phát do nhân dân địa phương tự gọi.

 

Đường số 4, đoạn qua Khu đô thị Lê Hồng Phong I, phường Phước Hải, TP. Nha Trang. Ảnh: V.K

Đường số 4, đoạn qua Khu đô thị Lê Hồng Phong I, phường Phước Hải, TP. Nha Trang.


Theo số liệu tổng kiểm kê tên đường phố, công trình công cộng của nhóm nghiên cứu đề án tại 137 xã, phường, thị trấn, đến năm 2019, toàn tỉnh có 1.751 tên đường, 858 công trình công cộng đã đặt tên và có tên. Trong đó, số đường đặt tên đúng quy định đã nhập dữ liệu 1.070 tên đường và 21 công trình công cộng. Qua kiểm kê, phân tích, đánh giá, một số tên đường việc đặt tên chưa xứng tầm, chưa gắn với lịch sử, văn hóa, danh nhân có công với đất nước và địa phương.


Xây dựng ngân hàng tên đường


Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2016 về chương trình phát triển đô thị Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020”, tỉnh Khánh Hòa tập trung đầu tư nguồn lực phát triển trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Theo đó, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều khu đô thị, khu dân cư mới, các công trình công cộng được đầu tư xây dựng. Do đó, việc xây dựng ngân hàng tên đường không chỉ để đặt tên cho các đô thị mới đang hình thành, mà còn mang tính giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng của quân và dân Khánh Hòa trong quá trình xây dựng và phát triển.  


Như vậy, để đáp ứng nhu cầu đặt tên đường và công trình công cộng từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh phải có trong ngân hàng tên đường gần 2.500 tên đường và gần 200 tên công trình công cộng. Điển hình như TP. Nha Trang hiện có 12 khu đô thị đã và đang thực hiện, nhu cầu ngân hàng tên đường cho thành phố hiện tại khoảng 300 tên đường; Cam Ranh cần khoảng 300 tên đường và 60 tên công trình công cộng; Ninh Hòa cần 620 tên đường và 20 tên công trình công cộng; Diên Khánh cần 575 tên đường, 60 tên công trình công cộng…


Để đáp ứng nhu cầu trên, nhóm nghiên cứu đã xây dựng ngân hàng tên đường mới với 464 hồ sơ tên đường đã được nhập dữ liệu ngân hàng tên đường phân bổ theo các nhóm: Danh nhân, nhân vật lịch sử của tỉnh với 298 hồ sơ; địa danh, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh 161 hồ sơ; mỹ từ và sự kiện 5 hồ sơ. Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, chủ nhiệm đề án chia sẻ: “Đề án đã lựa chọn, tính toán để đặt tên cho các tuyến đường cơ bản phù hợp với công lao đóng góp của nhân vật, giá trị lịch sử di tích, địa danh… cũng như vị trí quy mô của từng tuyến đường. Ngoài ra, sự sắp xếp các tên đường trong từng khu vực có mối liên hệ gần gũi về nội dung, thời gian và các mối quan hệ lịch sử, văn hóa nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân dễ nhớ, dễ tìm…”. Cùng với đó, đề án đã xây dựng được dữ liệu ngân hàng tên đường để thực hiện nhập tên đường đã đặt tên và tên đường mới nhằm quản lý, truy xuất, cập nhật; xây dựng đề án, quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh…


Tại buổi nghiệm thu, Tiến sĩ Phan Tiến Dũng - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao tính khoa học, tính thực tiễn và sự phù hợp của đề án. Kết quả của đề án không chỉ phục vụ cho việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng của tỉnh Khánh Hòa mà còn là nguồn tài liệu hữu ích cho môn Địa chất của các trường đại học.


Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, kết quả của đề án là cơ sở khoa học để các cơ quan liên quan tham mưu cho  tỉnh  trong việc quản lý, tư vấn, đặt tên đường và công trình công cộng; các huyện, thị xã, thành phố ứng dụng xây dựng hồ sơ ngân hàng tên đường riêng cho từng địa phương nhằm chủ động xây dựng đề án đặt tên đường và công trình công cộng.


KHÁNH HÀ