09:11, 11/11/2019

Phập phồng dưới chân đèo Cả

Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân thôn Đông Bắc (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) sống phập phồng dưới chân đèo Cả với nỗi lo sạt lở mỗi khi trời mưa bão. Họ rất muốn được di dời đến một nơi ở mới, an toàn…

 

Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân thôn Đông Bắc (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) sống phập phồng dưới chân đèo Cả với nỗi lo sạt lở mỗi khi trời mưa bão. Họ rất muốn được di dời đến một nơi ở mới, an toàn…


Nơm nớp nỗi lo sạt lở


Sau 3 ngày phải đi tạm lánh cơn bão số 6 tại nhà người thân, sáng 11-11, gia đình bà Võ Thị Luyến và ông Trần Văn Nha (thôn Đông Bắc) mới trở về căn nhà nằm cheo leo ở lưng chừng đèo Cả. Căn nhà cấp 4 rộng 40m2 của gia đình ông bà là nơi trú ngụ của 5 nhân khẩu trong hơn 12 năm qua. Bà Luyến tâm sự, cơn bão số 6 không ảnh hưởng lớn nên căn nhà của gia đình vẫn còn nguyên vẹn. Mỗi lần trời mưa bão, chính quyền địa phương lại đến động viên, yêu cầu các hộ nơi đây di dời, nếu không đi thì bị cưỡng chế. Lý do là khi mưa xuống, đất trên núi nhão ra khiến hàng trăm tảng đá lớn nhỏ có thể lở xuống khu dân cư này. Trước đây, khu vực này cũng đã bị sạt lở, đá lăn xuống làm sập mấy căn nhà. Biết là sống trong vùng nguy hiểm, nhưng do phần lớn các hộ ở đây thuộc hộ nghèo nên cũng không biết phải dời đi đâu.

 

Một góc khu dân cư dưới chân núi đèo Cả.

Một góc khu dân cư dưới chân núi đèo Cả.


Cạnh nhà bà Luyến là căn nhà của gia đình bà Đặng Thị Mỹ Ngọc và ông Trần Văn Tắc nằm chênh vênh bên cạnh một tảng đá khổng lồ. Ông Tắc cho biết: Năm 2016, sau một trận mưa lớn, đất đá trên núi lở xuống làm sập căn nhà cấp 4 của gia đình, rất may là các tảng đá nằm chồng lên nhau tạo thành khoảng trống nên 3 người trong nhà vẫn sống và được người dân xung quanh giải cứu. 15 năm sinh sống ở dưới chân núi, chừng ấy năm gia đình sống trong nỗi lo sạt lở, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn không thể chuyển đi nơi khác. Cứ vào mùa mưa bão, gia đình lại phải di dời về nhà người thân hoặc đến nhà văn hóa, trường học để ở. Ông Tắc cũng như các hộ nơi đây rất muốn được Nhà nước hỗ trợ di dời, tái định cư về những nơi an toàn để ổn định cuộc sống.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những hộ ở khu vực chân núi đèo Cả có hoàn cảnh khó khăn, sống bằng nghề đi biển, buôn bán nhỏ và làm thuê. Đây là khu dân cư tự phát nên họ phải mua nước với giá cao, còn rác thải sinh hoạt không được thu gom mà xả thẳng ra môi trường.


Sẽ tìm hướng di dời

 

Tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 6 tại xã Đại Lãnh, ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo, khu dân cư nằm dưới chân núi đèo Cả ở vị trí rất nguy hiểm, người dân luôn sống trong nguy cơ sạt lở núi, đá lăn. Vì vậy, về lâu dài, các cấp, ngành, địa phương cần sớm nghiên cứu địa điểm di dời, tái định cư an toàn cho các hộ. Nếu trên địa bàn xã hết quỹ đất tái định cư thì có thể nghiên cứu di dời các hộ này về ở những xã lân cận. Đồng thời, khẩn trương thu gom rác thải sinh hoạt ở khu vực này để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Lãnh đạo xã Đại Lãnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 60 hộ nằm ở khu vực triền núi, trong đó có 16 hộ với gần 50 nhân khẩu có nguy cơ bị sạt lở. 9 trong số 16 hộ này đã từng bị sạt lở làm sập nhà, thiệt hại về tài sản. Những hộ gia đình này hầu hết đều đến ở tự phát cách đây khá lâu. Khi tới định cư, địa phương có lập biên bản và đều có hồ sơ về địa chính, yêu cầu phải di chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, do việc xử lý chưa triệt để nên các hộ này vẫn bám trụ tại khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, mỗi khi có mưa bão, xã buộc phải di dời các hộ đến nơi an toàn và bố trí lực lượng trực gác bảo vệ.


Ông Trần Huy Định - Bí thư Đảng ủy xã Đại Lãnh cho biết: “Sau đợt mưa bão này, xã hợp đồng với một số thợ làm đá đục phá các tảng đá lớn có nguy cơ đổ sập khi mưa lũ kéo về, nhằm giảm thiểu một phần nguy hiểm cho các hộ nơi đây. Đồng thời, xã lên phương án xin kinh phí cấp trên để xây dựng một tường chắn phía sau nhà các hộ, làm một con đường ngăn cách giữa núi với nhà người dân để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, xã rất cần có phương án bền vững hơn để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão hàng năm. Thế nhưng, việc giải quyết thế nào là một bài toán không hề đơn giản. Bởi hiện nay, quỹ đất của địa phương không còn để bố trí tái định cư cho các hộ này”.


Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, huyện sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí để di dời các hộ này. Đồng thời, huyện yêu cầu xã rà soát lại toàn bộ quỹ đất của địa phương. Nếu quỹ đất còn thì có thể tái định cư trong xã, nếu không còn thì sẽ bố trí tái định cư sang các xã lân cận.


VĂN GIANG - MẠNH HÙNG