09:10, 14/10/2019

Nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập

Phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững" là phong trào mạnh của Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết:

Phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững” là phong trào mạnh của Hội Nông dân (HND) tỉnh Khánh Hòa. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch HND tỉnh cho biết:

 


- Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được HND các cấp trong tỉnh quan tâm, triển khai có hiệu quả. Đây được coi là phong trào lớn, trọng tâm, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế vùng, địa phương; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết hợp tác phát triển với chất lượng ngày càng cao...


Hàng năm, hàng chục ngàn hộ nông dân được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả bình xét năm 2018 có trên 56.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (trong đó, cấp Trung ương 120 hộ; cấp tỉnh 11.300 hộ; cấp huyện 5.500 hộ; cấp cơ sở 50.000 hộ). Điển hình như hộ ông Lê Quang Toàn (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) sản xuất 15 ha diện tích tôm thẻ chân trắng trên bạt, tổng thu nhập hơn 9 tỷ đồng/năm, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Nông dân Bùi Sơn Hồng (xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm) với mô hình dịch vụ thu mua xoài, vận tải, khách sạn, thu nhập hơn 6,5 tỷ đồng/năm; nông dân Lê Văn Nhân (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) với mô hình kinh tế tổng hợp, đem lại thu nhập hơn 3,7 tỷ đồng/năm. Hai nông dân này vinh dự được Trung ương Hội trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2019...


- Thời gian tới, HND tỉnh định hướng như thế nào để nâng cao hiệu quả của phong trào?


- Thời gian tới, Ban Thường vụ HND tỉnh tập trung chỉ đạo HND các cấp tích cực xây dựng các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả; phấn đấu ngày càng có nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn mác, thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Đặc biệt, tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm, giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng nông thôn mới.


- Hiện nay, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. HND tỉnh sẽ triển khai các chính sách này như thế nào để hỗ trợ nông dân?


- Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất theo phương châm quy mô lớn, đầu tư công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo hiệu quả bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; không ngừng phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.


- Xin cảm ơn ông!


V.L (Thực hiện)