12:10, 30/10/2019

Các địa phương chủ động ứng phó với mưa bão

Trước tình hình áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, nhiều khả năng đổ bộ vào Khánh Hòa, ngày 29-10, các địa phương trong tỉnh đã triển khai quyết liệt các phương án chủ động ứng phó.

Trước tình hình áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể mạnh lên thành bão, nhiều khả năng đổ bộ vào Khánh Hòa, ngày 29-10, các địa phương trong tỉnh đã triển khai quyết liệt các phương án chủ động ứng phó.


. Chiều 29-10, lãnh đạo TP. Nha Trang tổ chức cuộc họp chỉ đạo các địa phương và đơn vị liên quan khẩn trương, cương quyết di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm, xung yếu, thường xảy ra sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn, việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 12 giờ ngày 30-10; chủ động thực hiện phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.

 

Tàu thuyền neo đậu tại cảng Hòn Rớ, Nha Trang

Tàu thuyền neo đậu tại cảng Hòn Rớ, Nha Trang


Đến chiều 29-10, công tác di dời dân chưa triển khai. Tại khu vực cảng Hòn Rớ, có 2.758 tàu cá vào neo đậu an toàn, các tàu thuyền ở các vùng nước biển của tỉnh 273 tàu với 1.566 lao động, 20 tàu với 199 lao động khai thác ở Bình Thuận. Về kiểm đếm lồng bè, có 218 bè/5.142 ô lồng với 808 lao động. Lực lượng chuẩn bị tham gia cứu hộ theo kế hoạch hiệp đồng của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố tổng cộng 1.971 người cùng phương tiện.


. Tại Vạn Ninh, các địa phương đã chủ động di dời dân ở vùng xung yếu về nơi các nhà cộng đồng, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại nơi sơ tán; hơn 1.500 phương tiện tàu thuyền được tập trung trú bão tại các cửa sông, hơn 40.200 lồng nuôi tôm, cá được thông báo về tình hình thời tiết và đến thời điểm này đã có 50% lồng bè được kéo vào vùng an toàn; các hồ chứa Hoa Sơn, Đá Đen đã bố trí người trực 24/24 giờ và thực hiện điều tiết lũ hợp lý tránh ngập cho vùng hạ du…


.  Chiều 29-10, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, ngoài việc triển khai Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh cho tất cả các xã, phường và các đơn vị, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố chú trọng di dời các hộ sinh sống vùng hạ lưu các hồ, đập. Dự báo trong những ngày tới sẽ có mưa lớn, do vậy các hồ, đập sẽ xả lũ với lưu lượng lớn. Vì thế, thành phố có phương án ưu tiên di dời dân đến nơi an toàn khi cần thiết. Các xã, phường chủ động thông báo kịp thời cho các hộ có các lồng, bè nuôi trồng hải sản trên vịnh Cam Ranh. “Ngay chiều 29-10, thành phố đã có thông báo đến các khu dân cư và các hộ. Theo đó, trước 16 giờ 30 ngày 30-10, khi có gió lớn, thành phố sẽ di dời các lồng bè nuôi trồng hải sản đến nơi an toàn”, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết.


. Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Diên Khánh, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, địa phương thực hiện rà soát, triển khai các phương án PCTT-TKCN của từng địa phương; thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến thời tiết để nắm bắt, kịp thời thông tin đầy đủ cho các cấp chính quyền, người dân chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó. Các đơn vị quản lý hồ chứa căn cứ vào diễn biến thời tiết để chủ động điều tiết, xả lũ.


Huyện cũng chỉ đạo các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng ứng phó kịp thời; bố trí lực lượng chốt chặn, kiên quyết không để người dân qua lại các đoạn đường ngập lụt, các cầu tràn, vùng sạt lở khi có mưa lũ lớn; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ…


. Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, huyện đã triển khai tuyên truyền đến các ngành, các cấp, các địa phương và người chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống bão, lũ.


Theo đó, các địa phương phải chủ động chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó với những vấn đề bất trắc xảy ra do diễn biến của thời tiết. Bố trí lực lượng chức năng chốt chặn ở những vị trí xung yếu, hai bên đầu cầu tràn, không cho người dân qua lại khi có mưa lớn, nước dâng cao. Chuẩn bị hàng hóa nhu yếu phẩm đủ để cung cấp cho người trong trường hợp bị chia cắt bởi nước lũ; hướng dẫn người dân chủ động giằng chống nhà cửa, giữ vững vườn nhà; khi có mưa lớn, không đi qua những khu vực cầu tràn, điểm ngập nước.


. Chiều 29-10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Cam Lâm đã tỏa đi các hướng kiểm tra công tác phòng, chống bão. Huyện thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên đầm Thủy Triều chủ động neo đậu nơi an toàn; rà soát các điểm xung yếu, hồ Cam Ranh và các khu vực dễ có nguy cơ sạt lở đất tại khu vực núi các xã: Sơn Tân, Suối Cát, Cam Phước Tây; vận động người dân chằng chống nhà cửa, theo dõi các bản tin thời tiết để chủ động phòng, chống bão; các địa phương, đơn vị tổ chức trực chiến 24/24 giờ.


Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện cho biết, Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1 Cam Ranh đã tháo dỡ dải phân cách cứng 2 đoạn tại khu vực Cam Thành Bắc trên Quốc lộ 1 để xử lý chống ngập.


. Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết, từ ngày 28-10, các đảo đã triển khai đầy đủ các nội dung chỉ đạo để chủ động ứng phó khi ATNĐ mạnh lên thành bão như: sẵn sàng lực lượng, phương tiện; cắt tỉa cây xanh, giằng chống nhà cửa; duy trì trực 24/24 giờ để theo dõi, cập nhật hoạt động, hướng đi của ATNĐ; triển khai các biện pháp, phương án sơ tán vật chất, trang thiết bị liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện đến nơi an toàn; bảo đảm an toàn phao luồng các âu tàu; hướng dẫn cho các tàu thuyền hoạt  động trong khu vực vào âu và lòng hồ bảo đảm an toàn và sẵn sàng hiệp đồng với các phương tiện tàu thuyền, lực lượng trong khu vực để kịp thời thông báo về diễn biến của ATNĐ, giúp đỡ ngư dân bảo đảm an toàn...


Nhóm PV

 


 

Thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện toàn tỉnh có 9.797 tàu cá với khoảng 33.000 lao động. Các tàu cá hoạt động trên các vùng biển đã nắm thông tin về ATNĐ và chủ động có kế hoạch phòng tránh an toàn. Hiện có 142 tàu cá với gần 1.500 lao động đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển chủ yếu ven Khánh Hòa (64 tàu), Trường Sa (47 tàu)... Toàn tỉnh có gần 2.000 bè nuôi thủy sản với gần 2.800 lao động đã và đang được thông báo di dời, gia cố.