12:11, 01/11/2018

Đầu tư xây dựng nhiều bến cảng

Theo quy hoạch, cảng biển Khánh Hòa được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), về lâu dài có thể phát triển đảm nhận chức năng chính là trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (loại IA). Đây chính là cơ hội để hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, tạo động lực cho kinh tế địa phương.

Theo quy hoạch, cảng biển Khánh Hòa được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), về lâu dài có thể phát triển đảm nhận chức năng chính là trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (loại IA). Đây chính là cơ hội để hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, tạo động lực cho kinh tế địa phương.


Đa dạng về loại hình khai thác


Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10 bến cảng đi vào hoạt động. Các bến cảng này khá đa dạng về hình thức, công năng khai thác. Có thể kể đến bến cảng cát Đầm Môn, cảng chuyên dùng trạm phân phối xi măng Nghi Sơn, cảng chuyên dùng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, cảng quân sự Cam Ranh…

 

Một góc cảng Cam Ranh.

Một góc cảng Cam Ranh.


Riêng đối với khu bến Nha Trang sẽ được chuyển đổi công năng, quy hoạch phát triển thành đầu mối du lịch biển đồng bộ, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; tiếp nhận tàu khách du lịch đến 225.000GT và tàu chở khách tuyến nội địa bắc - nam. Năng lực thông qua cảng lên đến 200.000 lượt khách/năm. Hiện nay, Công ty Cổ phần Cảng Nha Trang tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để từng bước chuyển đổi công năng theo quy hoạch.


Bên cạnh đó, thời gian qua, hệ thống cảng biển Khánh Hòa có nhiều chuyển biến tích cực với sự đầu tư, nâng cấp mạnh mẽ. Cụ thể, cảng tổng hợp Bắc Vân Phong - giai đoạn mở đầu thuộc bến cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong với chức năng bến cảng tổng hợp đa chức năng nhằm phục vụ cho các khu công nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh và khu vực lân cận. Bến này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện năm 2016, đang triển khai thi công.


Đối với bến cảng tổng hợp Nam Vân Phong, quy mô tiếp nhận tàu 10.000 đến 50.000 tấn. Năng lực thông qua cảng khoảng 1 đến 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm đến năm 2020 và dự kiến đến năm 2030 đạt khoảng 2 đến 3 triệu tấn hàng hóa/năm. Bến này đang được thi công. Bến cảng vật liệu Ninh Phước cũng thuộc khu bến Nam Vân Phong với quy mô giai đoạn đến năm 2020 xây dựng 3 bến tiếp nhận tàu khoảng 8.000 đến 15.000 tấn, năng lực thông qua khoảng 1 đến 1,5 triệu tấn/năm; đến năm 2030 nối dài bến nhô về phía biển tiếp nhận tàu 30.000 tấn đến 50.000 tấn, năng lực thông qua 3 triệu đến 5 triệu tấn/năm. Cạnh đó, bến chuyên dùng Nhà máy đóng bao bì và phân phối xi măng Long Sơn (Khu công nghiệp Ninh Thủy) và bến cảng chuyên dùng nhà máy đóng bao bì và phân phối xi măng Xuân Thành cũng đã được bổ sung vào quy hoạch nhóm cảng biển Nam Trung bộ. Hiện nay, các dự án này đang được triển khai. Ngoài ra, 2 bến cảng gồm: chuyên dùng khí hóa lỏng Hồng Mộc và chuyên dùng trạm nghiền xi măng Công Thanh đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo quy hoạch, hai bến này thuộc khu bến Cam Ranh.  


Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, với sự đa dạng về loại hình khai thác, các bến cảng biển trên địa bàn tỉnh tạo ra một hệ thống cảng biển có năng lực trung chuyển lớn, với khối lượng hàng hóa tăng trưởng hàng năm. Bên cạnh đó, những bến tổng hợp được đầu tư mạnh mẽ sẽ thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các khu kinh tế, công nghiệp; các hãng tàu biển lớn cập cảng, tạo sự liên hoàn phát triển đồng bộ, toàn diện giữa đường bộ, đường biển và các loại hình khác.


Đề xuất nạo vét luồng hàng hải vào cảng Cam Ranh


Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt, cảng Cam Ranh thuộc khu bến Cam Ranh có thể phát triển gồm 4 bến cho tàu 30.000 tấn đến 50.000 tấn cập cảng. Năng lực hàng hóa thông qua cảng Cam Ranh dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 3,4 triệu đến 3,8 triệu tấn/năm.


Hiện nay, cảng Cam Ranh đang có 2 bến tàu, bến số 1 có chiều dài 180m, độ sâu trước bến -11m, có khả năng tiếp nhận tàu 30.000DWT; bến số 2 có chiều dài 180m, độ sâu trước bến -12,5m, có khả năng tiếp nhận tàu 50.000DWT ra vào xếp dỡ hàng hóa an toàn. Năng suất xếp dỡ khoảng 2,5 triệu tấn/năm.


Hiện nay, tuyến luồng hàng hải cảng Cam Ranh chưa đạt chuẩn thiết kế đảm bảo cho tàu đến 30.000DWT ra vào an toàn. Trong đó, bến số 2 của cảng đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2015, có khả năng tiếp nhận tàu 50.000DWT ra vào xếp dỡ hàng hóa, nhưng do tuyến luồng này chưa được nạo vét đồng bộ với bến làm hạn chế tàu có tải trọng lớn đến cảng. “Tỉnh đã kiến nghị Bộ GTVT có phương án kêu gọi đầu tư nạo vét, nâng cấp tuyến luồng vào cảng Cam Ranh để đảm bảo đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật của bến số 2, đáp ứng được yêu cầu khai thác tàu hàng tổng hợp 50.000DWT và tàu container 1.800TEU”, ông Dần nói.


Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Văn phòng Bộ GTVT đã có thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, giao Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát các tuyến luồng hàng hải và cảng Cam Ranh, kịp thời đề xuất phương án, xử lý phù hợp, sớm báo cáo bộ xem xét quyết định.


THÀNH NAM