12:08, 20/08/2018

Lao động ngành dệt may: Thu nhập còn thấp

Mặc dù làm thêm giờ, tăng ca nhiều nhưng mức thu nhập của người lao động ngành dệt may vẫn còn khá thấp. Vì thế, tình trạng lao động bỏ việc, nhảy việc diễn ra thường xuyên ở những doanh nghiệp dệt may.

Mặc dù làm thêm giờ, tăng ca nhiều nhưng mức thu nhập của người lao động (NLĐ) ngành dệt may vẫn còn khá thấp. Vì thế, tình trạng lao động bỏ việc, nhảy việc diễn ra thường xuyên ở những doanh nghiệp (DN) dệt may.


Tăng ca nhiều, lương vẫn thấp


Chị L.T.K.H làm việc tại Công ty TNHH May mặc thương mại L.A (thị xã Ninh Hòa) hơn 3 năm nhưng thu nhập chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng, tính cả tiền tăng ca hàng ngày. Chị H. chia sẻ: “Với khoản thu nhập đó tôi phải tiết kiệm lắm mới đủ lo cho 2 đứa con ăn học, tiền sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Sở dĩ thu nhập chúng tôi thấp là do công ty còn áp đặt tính công sản phẩm cao hơn 30 sản phẩm/giờ/người. Vì thế, ai cũng chạy đua để đủ công, thậm chí có hôm chúng tôi còn làm tăng ca tới 5 giờ mới đủ sản phẩm. Đối với những thợ lành nghề, làm lâu năm còn được hơn 3 triệu đồng/tháng, chứ những chị em mới vào thu nhập thấp hơn nhiều. Đã vậy, công ty cũng không có chế độ phụ cấp gì”.

 

Hiện nay, lao động trong lĩnh vực dệt may thu nhập vẫn còn khá thấp.

Hiện nay, lao động trong lĩnh vực dệt may thu nhập vẫn còn khá thấp.


Cũng theo nhiều công nhân ở công ty này, do chủ DN chưa chú trọng đầu tư nhà xưởng nên môi trường làm việc khá nóng bức, bụi vải còn nhiều nên ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thu nhập thấp nên có khá nhiều người bỏ công ty để đi tìm việc khác. Công ty được thành lập từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thành lập tổ chức công đoàn. Nhiều lần các ngành chức năng tới vận động, yêu cầu thành lập công đoàn, đơn vị này lại tìm mọi cách từ chối.


Tương tự, chị L.T.T làm việc tại Công ty TNHH May mặc, thương mại và dịch vụ M.S (huyện Cam Lâm) đến nay được 5 năm nhưng thu nhập cũng chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Chị T. cho biết: “Khoản thu nhập này gồm cả tiền tăng ca, thưởng vượt mức trong tháng. Nhiều lần tôi có ý định nghỉ để kiếm việc làm khác nhưng lại đắn đo vì mình đã hơn 30 tuổi. Nhiều chị em làm cùng công ty nghỉ việc cũng không tìm được việc khác đành quay lại công ty, hoặc ở nhà mở tiệm may riêng”…


Theo khảo sát của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 DN lớn, nhỏ hoạt động trong lĩnh vực dệt may với hơn 15.000 NLĐ. Mặc dù là một trong những ngành kinh tế lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhưng đời sống của công nhân còn nhiều khó khăn, thuộc nhóm thu nhập thấp so với ngành nghề khác. Qua khảo sát cho thấy, tiền lương cơ bản của công nhân may trung bình chỉ đạt 4,3 đồng/tháng, đáp ứng 75% mức sống tối thiểu của NLĐ. Đặc biệt, đây là lĩnh vực NLĐ phải tăng ca nhiều, từ 40 đến 60 giờ/tháng (pháp luật quy định 30 giờ/tháng). Do vậy, tình trạng bỏ việc, nhảy việc ở những DN này rất lớn, buộc các DN phải tuyển lao động mới để bù vào số nghỉ việc.


Cần có chính sách ưu đãi


Ông Bùi Đăng Thành - Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, thu nhập đã thấp mà thời gian lao động của công nhân dệt may còn cao hơn các ngành khác. Sở dĩ thu nhập của NLĐ còn thấp là do yêu cầu trình độ lao động đầu vào của DN không cao, mặc dù các DN đã tuân thủ trả lương theo quy định của pháp luật (lương tối thiểu vùng + 12% phụ cấp độc hại và tay nghề). Đặc biệt, hiện nay, phần lớn các DN dệt may đều tự đưa ra định mức cao, buộc NLĐ phải chạy đua theo sản phẩm. Qua theo dõi nhiều năm nay, lĩnh vực dệt may thường xảy ra đình công, lãn công nhiều nhất.


Theo các chuyên gia kinh tế, với sự cạnh tranh rất quyết liệt từ nhiều quốc gia có nguồn lao động dồi dào, khách hàng có nhiều lựa chọn đối tác cung cấp; yếu tố tiền lương không còn là lợi thế lớn của ngành dệt may khi những phiên đấu giá làm cho các DN phải tính toán đưa mức giá thấp nhất để lấy được đơn hàng. Những DN có đầu tư bài bản, quản lý tốt thì năng suất cao nên có thể sẻ chia một phần lợi nhuận vào quỹ lương thưởng cho NLĐ, nhưng đa số vẫn trả công ở mức thấp nhất, cắt xén các chi phí chính đáng của NLĐ để tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, ở góc độ quản lý, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho DN dệt may chứ không chỉ ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư. Đồng thời, việc tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động, giảm những chi phí để DN có sức cạnh tranh trên thị trường cũng là gián tiếp nâng cao đời sống của NLĐ.


PHÚ AN