11:06, 18/06/2018

Một cán bộ đam mê nghiên cứu

Kiên trì, sáng tạo khi thực hiện các đề tài nghiên cứu, tận tâm trong công tác quản lý, tập huấn kỹ thuật, ông Phùng Bảy - Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) luôn được lãnh đạo, cộng sự đánh giá cao về chuyên môn và sự nhiệt huyết đối với nghề.

Kiên trì, sáng tạo khi thực hiện các đề tài nghiên cứu, tận tâm trong công tác quản lý, tập huấn kỹ thuật, ông Phùng Bảy - Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) luôn được lãnh đạo, cộng sự đánh giá cao về chuyên môn và sự nhiệt huyết đối với nghề.


Vừa trở về từ chuyến công tác thực địa tại Ninh Thuận, ông Phùng Bảy vội vàng ra bể nuôi, kiểm tra sản phẩm trai tai tượng vảy giống từ phương pháp sinh sản nhân tạo. Đây là kết quả của đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất trai tai tượng vảy giống” mà ông đang chủ trì triển khai từ năm 2015 đến 2019. Để có những con giống này là cả một quá trình mày mò, thất bại nhiều hơn thành công trong 3 năm qua. Ông cho biết: “Đây là đề tài khó khăn, vất vả nhất mà tôi từng thực hiện. Bởi trai tai tượng vảy là đối tượng quý hiếm, nằm trong sách đỏ. Vì nguồn giống bố mẹ đã cạn kiệt nên chúng tôi phải đi rất nhiều địa phương như: Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận... để thu thập nguồn giống. Tuy vậy, trong 2 năm 2016 và 2017, chúng tôi cũng chỉ thu được 300 con giống bố mẹ. Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là phải chuyển đổi cơ chế dị dưỡng của đối tượng (trai tai tượng vảy sống nhờ vào tảo, rong biển) sang tự dưỡng. Thực tế, trong một năm rưỡi đầu tiên, chúng tôi đã thất bại nhiều lần, không thu được kết quả mà chỉ rút ra được kinh nghiệm nghiên cứu. Do vậy, nếu không có sự kiên trì, kỹ năng và kiến thức thì sẽ khó thành công”. Đến nay, đề tài đã sản xuất được 80.000 con  trai tai tượng vảy giống, nâng tỷ lệ sống thành con giống từ 1% (năm 2013) lên 10% (năm 2017) và ổn định quy trình sản xuất.

 

Ông Phùng Bảy kiểm tra trai tai tượng vảy giống  từ sinh sản nhân tạo.

Ông Phùng Bảy kiểm tra trai tai tượng vảy giống từ sinh sản nhân tạo.


Ngoài đề tài này, ông Bảy còn tham gia chủ nhiệm dự án giống cấp bộ “Hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất điệp quạt và sò huyết giống”; đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất sò huyết giống tại Bến Tre”; dự án hợp tác quốc tế với Úc “Phát triển công nghệ nuôi cấy ngọc trai bán cầu tại Việt Nam và Tông Ga”. Đến nay, các đề tài đều thực hiện đúng tiến độ, đạt kết quả tốt và được các cơ quan quản lý đánh giá cao.

 Ngoài ra, ông Bảy đã có những sáng kiến kỹ thuật được Hội đồng Thi đua khen thưởng của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III công nhận, trao danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở như: cải tiến kỹ thuật ương điệp giống bằng hệ thống tuần hoàn (năm 2016); ương sò huyết giống trong hệ thống nước trồi (năm 2017). Cả 2 sáng kiến này hiện được áp dụng rộng rãi tại những cơ sở sản xuất giống động vật thân mềm trên phạm vi cả nước. Với việc nghiên cứu xây dựng và ứng dụng rộng rãi quy trình sản xuất giống hàu Thái Bình Dương, ông Bảy đã được nhận giải thưởng Bông lúa vàng lần thứ 2 năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng.


Kiên trì, sáng tạo trong công tác chuyên môn, nghiên cứu đề tài, ông Bảy cũng rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn kỹ thuật, trau dồi kiến thức cho ngư dân, cán bộ trẻ và sinh viên thực tập. Những năm qua, ông đã tham gia hướng dẫn 7 sinh viên Trường Đại học Nha Trang bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp, trong đó có một sinh viên đạt loại xuất sắc. Khi tham gia tập huấn khuyến ngư cho người dân ở các địa phương, ông Bảy luôn dùng kinh nghiệm thực tế và kiến thức khoa học để chuyển tải một cách đơn giản, dễ hiểu nhất. Quản lý 20 cán bộ của Phòng Sinh học thực nghiệm, ông Bảy cũng luôn tạo môi trường làm việc gần gũi; đồng thời định hướng, tạo điều kiện cho 6 cán bộ học thạc sĩ tại Trường Đại học Nha Trang...


Vào nghề đã tròn 20 năm, đi khắp các vùng biển Bắc - Nam, đến nay, ông Bảy vẫn luôn giữ được sự nhiệt huyết với nghề. Từ thực tế về những rủi ro, mất mát của người dân khi nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua, ông luôn đau đáu một điều là làm thế nào chuyển tải nhiều hơn nữa kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực này cho người dân để họ có thể sống bằng nghề và nghề sẽ phát triển bền vững.


MAI HOÀNG



 


 

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III: Thạc sĩ Phùng Bảy có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu các đối tượng nhuyễn thể phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản. Ông đã đạt được nhiều thành công trong nghiên cứu quy trình công nghệ nuôi các đối tượng thủy sản mà các nước trên thế giới gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Ngoài ra, ông Phùng Bảy luôn tạo điều kiện, tận tình hướng dẫn sinh viên, học viên, cán bộ nghiên cứu trẻ trong tổ chức và thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu; tích cực chuyển giao kết quả nghiên cứu cho người dân thông qua các lớp tập huấn, giúp người dân nắm bắt và làm chủ được nhiều quy trình công nghệ nuôi thủy sản.