09:06, 05/06/2015

Tích cực vận động nhân dân giao nộp vũ khí

Với nhiều giải pháp tích cực, đến nay, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp các loại vũ khí trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã đạt được những kết quả khả quan.

Với nhiều giải pháp tích cực, đến nay, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp các loại vũ khí trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã đạt được những kết quả khả quan.


Cuối tháng 5 vừa qua, nguồn tin báo của quần chúng nhân dân cho biết ông Cao Luận (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc) đang cất giữ 1 khẩu súng và 1 quả đạn chống tăng tại khu vực rẫy của gia đình. Sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng Công an huyện Khánh Sơn đã tiến hành xác minh và tổ chức vận động, tuyên truyền, phân tích về tác hại của việc tàng trữ vũ khí trái phép. Đến ngày 30-5, ông Luận đã tự nguyện giao nộp vũ khí. Trước đó, ngày 7-4, ông Mấu Hồng Luyện (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung) cũng đã đem khẩu súng AR 15 giao nộp cho lực lượng công an, sau thời gian dài được tuyên truyền, vận động.

 

Một số vũ khí do người dân tự nguyện giao nộp  cho lực lượng công an.
Một số vũ khí do người dân tự nguyện giao nộp cho lực lượng công an


Theo Thiếu úy Lê Quý Nam - cán bộ Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Khánh Sơn), việc tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí được lực lượng công an huyện tổ chức thường xuyên, liên tục. Nhưng do nhận thức của người dân còn hạn chế nên có nhiều trường hợp lực lượng công an phải vận động trong một thời gian dài. “Có trường hợp, chúng tôi phải liên tục thay nhau vận động trong 2 năm người dân mới tự nguyện giao nộp vũ khí”, Thiếu úy Lê Quý Nam nói.


Là địa bàn từng là căn cứ địa cách mạng, có nhiều đơn vị bộ đội đóng quân và kho vũ khí được đặt trong rừng, nên sau năm 1975, nhiều người dân Khánh Sơn khi đi rừng đã lượm được vũ khí quân dụng mang về sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều người còn làm các khẩu súng tự chế để săn bắn động vật. Những yếu tố trên khiến việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp.


 Trước thực tế đó, huyện đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp các loại vũ khí. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cấp huyện gồm 19 thành viên. Tương tự, ở các xã, thị trấn cũng thành lập BCĐ cấp xã. Công an huyện tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, mở các đợt phát động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với sự tham gia của hàng trăm lượt người. Lực lượng công an còn phối hợp với các già làng, trưởng thôn, cựu chiến binh cùng vận động người dân giao nộp vũ khí.

 

Nếu như từ 2005 đến cuối 2011, toàn huyện chỉ tuyên truyền, vận động người dân giao nộp được 13 khẩu súng các loại, 14 quả đạn các loại…. thì từ khi Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có hiệu lực vào ngày 1-1-2012, đến nay, Công an huyện đã tiếp nhận 59 khẩu súng các loại, 4 đầu đạn các loại, 1 quả bom sát thương nặng 350kg; phát hiện 1 trường hợp cải tạo, sử dụng, bán súng tự chế và đã xử phạt hành chính với số tiền 30 triệu đồng.

Đại tá Nguyễn Tiến - Trưởng Công an huyện Khánh Sơn cho biết: “Trước khi triển khai Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, công tác quản lý trong lĩnh vực này không thống nhất, cụ thể. Đối tượng có vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ rất nhiều nên tình hình diễn ra rất phức tạp. Sau khi Pháp lệnh được ban hành và có hiệu lực, tình hình quản lý vũ khí dần đi vào nề nếp, chặt chẽ hơn”. Nhờ làm tốt công tác vận động người dân giao nộp vũ khí nên từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện chưa để xảy ra vụ phạm pháp hình sự nào liên quan đến vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế.


Tuy nhiên, hiện huyện vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác này. Đó là kinh phí để phục vụ cho việc triển khai Pháp lệnh còn hạn chế; đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia vận động người dân giao nộp vũ khí chưa được tập huấn nghiệp vụ đầy đủ; công tác phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể có lúc chưa được chặt chẽ, đồng bộ. Để việc quản lý lĩnh vực này đạt kết quả cao hơn, thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời xây dựng, mở rộng mạng lưới cơ sở cung cấp nguồn tin; nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại của việc tàng trữ vũ khí trái phép.


N.T - B.L