11:12, 02/12/2022

Mãi đừng xa tôi - Lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị con người

Mãi đừng xa tôi (nguyên tác bằng tiếng Anh: Never let me go, Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ) là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro.

Mãi đừng xa tôi (nguyên tác bằng tiếng Anh: Never let me go, Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ) là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro. Tác phẩm được sáng tác năm 2005, được tạp chí Time Magazine xếp vào danh sách 100 cuốn tiểu thuyết Anh hay nhất từ năm 1923 đến 2005, đưa Kazuo Ishiguro đến vinh quang - giải Nobel Văn học năm 2017.  

Mãi đừng xa tôi thuộc thể loại tiểu thuyết khoa học giả tưởng về một giải pháp khoa học nhân danh vì con người, phục vụ con người nhưng thật ra rất phản nhân văn, đang bị loài người tẩy chay, lên án - phương pháp nhân bản vô tính.


Trên tinh thần cảnh báo về một tương lai đen tối của vấn đề giá - trị - người, nhà văn Kazuo Ishiguro đã nghiền ngẫm viễn cảnh của những cá thể người được nhân bản vô tính để phục vụ cho việc hiến tạng. Tiểu thuyết khoa học giả tưởng cho phép nhà văn phát huy tối đa trí tưởng tượng về thế giới tâm hồn nhạy cảm của những con người được sinh ra bất bình thường nên cũng không được đối xử là con người. Bi kịch ở chỗ họ có đầy đủ bản tính người, tâm hồn người với tất cả buồn đau, sợ hãi, cảm xúc về tình bạn, tình yêu, ham muốn, khát khao… nhưng lại bị đối xử là “giống gì khác chứ không hẳn là người”!


Tác phẩm lấy bối cảnh nước Anh năm 1990, xoay quanh câu chuyện của 3 người bạn: Kathy (người kể chuyện), Tommy và Ruth. Phần thứ nhất gồm 9 chương là cuộc sống của họ lúc nhỏ tại trường nội trú Hailsham. Phần thứ hai 8 chương, từ lúc họ mười sáu tuổi, bắt đầu rời trường Hailsham đến Nhà Tranh để chuẩn bị tâm thế hiến tạng. Phần cuối 6 chương, Ruth “xong hẳn” sau lần hiến tạng thứ hai, Tommy “tắt nghỉ” vĩnh viễn sau lần hiến tạng thứ tư, Kathy còn lại một mình, hoàn toàn đơn độc và hoang mang.


Văn chương sẽ không chút giá trị nếu không vì con người. Văn học có và cần có chức năng cảnh báo loài người. Nhà văn là những người luôn day dứt, băn khoăn về con người, biết cất lên những lời dự báo tiên tri cho nhân loại, đem lại lợi ích cho loài người. Đó cũng là tiêu chí của giải Nobel Văn học. Kazuo Ishiguro, bằng trực giác, đã tiên cảm viễn cảnh đen tối của những cá thể người nhân bản khi họ có một thế giới nhân cách, tâm hồn như những con người bình thường nhưng lại bị đối xử không phải là người, chỉ là nguồn cung cấp nội tạng khi con người cần. Từ đó, nhà văn là người tiên liệu sự phi nhân đạo của mặt trái công nghệ sinh học nhân bản vô tính. Sâu thẳm hơn, tác phẩm đánh động mỗi bạn đọc trách nhiệm nhận thức lại về tình yêu, tình bạn, tình người, buộc người đọc suy tư không dứt về giá trị người của chính mình trong mối liên hệ với xã hội.


Hội đồng trao giải Nobel đã nhận định về Kazuo Ishiguro: “Bằng những cảm xúc dạt dào, văn chương của Kazuo Ishiguro đánh thức góc sâu thẳm, huyền bí trong chúng ta về mối liên hệ với thế giới”. (Nobel Văn học 2017 vinh danh Kazuo Ishiguro, Báo Người lao động ngày 5-10-2017) Phải chăng, đến nay, giải pháp nhân bản vô tính để cấy ghép nội tạng không thể trở thành hiện thực có phần đóng góp không nhỏ của Mãi đừng xa tôi của nhà văn - nhà tiên tri Kazuo Ishiguro?


CHẾ DIỄM TRÂM